Chương trình Bữa sáng doanh nhân VACOD-HBA: Kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa ĐHQG Hà Nội và VACOD-HBA, sáng 24/6, tại Chương trình Bữa sáng doanh nhân thường kỳ, VACOD và HBA đã phối hợp với ĐHQG Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề "Giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành dược của ĐHQG Hà Nội” với sự trình bày của GS.TS. Nguyễn Thanh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội)...
Chương trình Bữa sáng doanh nhân VACOD-HBA: Kết nối nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp

Buổi tọa đàm giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm tìm hiểu về tiềm năng lợi thế của các sản phẩm khoa học công nghệ ngành y dược nhằm kết nối, khai thác hiệu quả sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Chương trình Bữa sáng doanh nhân do Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, thành viên Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội - TS Nguyễn Hồng Sơn chủ trì. Chương trình còn có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội); ông Nguyễn Quốc Khánh: Nguyên PCT UBND tỉnh Sơn La - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sơn La và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hội viên VACOD - HBA trong lĩnh vực y học, dược phẩm...

Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện giữa VACOD – HBA và ĐHQG Hà Nội được ký kết ngày 10/12/2022, ngay tại các Chương trình Bữa sáng doanh nhân, VACOD - HBA sẽ dành thời gian để nghe các diễn giả, nhà khoa học trao đổi về các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây chính là “cầu nối” thực chất giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, để khoa học công nghệ mới lan tỏa, hỗ trợ vào hoạt động của doanh nghiệp.

bữa sáng doanh nhân
Chủ tịch VACOD – HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cũng kỳ vọng, qua các buổi tọa đàm này sẽ đưa các kết quả nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội vào thực tiễn cuộc sống. “Sau khi GS.TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội) trình bày một số kết quả nghiên cứu khoa học về công nghệ đối với các sản phẩm thuộc ngành dược, các doanh nghiệp của 2 hiệp hội, nhất là các doanh nghiệp trong ngành dược quan tâm đến kết quả nghiên cứu này thì sẽ tiếp tục kết nối với trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội) để nhận chuyển giao, đưa kết quả nghiên cứu này vào thị trường, vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm - Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQG Hà Nội) cũng kỳ vọng vào sự hợp tác tốt đẹp giữa ĐHQG Hà Nội và VACOD-HBA từ trước tới nay, đặc biệt trong các chương trình này sẽ tạo tiền đề để các sản phẩm công nghệ của Đại học Quốc gia được thương mại hóa, và đưa ra thị trường. “Đây là lần đầu tiên VACOD-HBA và ĐHQG Hà Nội thực hiện mô hình tọa đàm rất hữu ích này. Trong buổi tiếp theo, chúng tôi dự kiến sẽ mời các chuyên gia của ĐHQG Hà Nội đến chia sẻ về chủ đề Chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm chia sẻ.

Trao đổi tại chương trình, GS.TS. Nguyễn Thanh Hải cho biết, Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội) tiền thân là Khoa Y Dược, ĐHQG Hà Nội, thành lập năm 2010, đào tạo và nghiên cứu khoa học về khoa học, công nghệ dược; chăm sóc dược và tổ chức chính sách dược.

bữa sáng doanh nhân
GS.TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội)

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, gồm các nhóm sản phẩm: Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trong đó bao gồm tác dụng sinh học và cơ chế tác dụng sinh học (nhóm hợp chất tự nhiên, saponin – hormone). Đặc biệt là nghiên cứu saponin phát triển từ củ Tam Thất Tây Bắc thuộc đề tài nghiên cứu trong nhóm đề tài Khoa học công nghệ Tây Bắc hiện đã được mở rộng nghiên cứu lên saponin của sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác.

Trong đó, trường đang tập trung phát triển 2 mảng chính là nghiên cứu phát triển thuốc và nghiên cứu phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc tự nhiên. Đặc biệt, trường có 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu về bào chế và phát triển công nghệ dược phẩm, bên cạnh đó là các doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc.

Về sản phẩm, hiện trường đã sẵn sàng chuyển giao 2 patent và 1 giải pháp hữu ích: Điều trị các bệnh gan mật; chống sa sút trí tuệ; giảm acid uric máu là các sản phẩm của chương trình Khoa học công nghệ Tây Bắc. Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Chương trình Khoa học công nghệ Tây Bắc) là chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 do ĐHQG Hà Nội chủ trì)

Ngoài ra, trường còn sẵn sàng chuyển giao trên các lĩnh vực:

Công nghệ sản xuất nguyên liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe như: Thuốc vô cơ (Ca, Mg, Ag, Au), thuốc hữu cơ phân tử nhỏ (cao hoa hoè làm giàu quercetin; chlorophill, collagen); Cao khô toàn phần từ dược liệu; hay công nghệ sản xuất nguyên liệu cung cấp calcium, magnesium từ nguyên liệu tự nhiên; Công nghệ sản xuất nano bạc là nguyên liệu bào chế mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Công nghệ tách chiết cao định chuẩn hoa hoè, làm giàu quercetin; Công nghệ tách chiết chlorophill làm nguyên liệu bào chế thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Công nghệ sản xuất collagen làm thực phẩm chức năng trong lĩnh vực làm đẹp…

Công nghệ bào chế như: Bào chế viên sủi bọt thế hệ mới; công nghệ bào chế mỹ phẩm chăm sóc da (tẩy da sừng hoá); Công nghệ bào chế các dạng cream mỡ có tác dụng tốt trong nhiệt miệng, hỗ trợ liền da; Công nghệ bào chế các sản phẩm tự nhiên định hướng bảo vệ sức khoẻ và tăng tuổi thọ…

bữa sáng doanh nhân
Toàn cảnh buổi chia sẻ

Ngoài ra, nhà trường cũng nhận đặt hàng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ từ các doanh nghiệp, triển khai các hình thức hợp tác như phát triển nghiên cứu chung, nhóm nghiên cứu chung, sản phẩm chung…

Về định hướng tổ chức và chính sách dược, GS.TS Nguyễn Thanh Hải cho biết trường đã xây dựng mô hình nhà thuốc đại học; Chuỗi nhà thuốc và pha chế tại nhà thuốc; Tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ….

Trao đổi tại chương trình, ông Phạm Quốc Phúc, Giám đốc công ty Dược phẩm Bảo Minh cho biết, trong thời gian vừa qua, việc sử dụng thuốc viên sủi đã được phổ biến rất rộng và được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn. Do đó, ông rất muốn tìm hiểu kỹ thêm về công nghệ bào chế viên sủi bọt thế hệ mới để có thể phát triển sản xuất thuốc viên sủi thế hệ mới tại doanh nghiệp mình.

bữa sáng doanh nhân
Ông Phạm Quốc Phúc, Giám đốc công ty Dược phẩm Bảo Minh

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Hải cho biết, công nghệ viên sủi hiện nay là công nghệ sủi thế hệ thứ nhất, dựa trên giải phóng CO2. Còn cơ chế sủi thứ 2 là dựa trên giải phóng Hidro. Giải phóng Hidro sẽ tốt cho sức khỏe hơn, bởi đây là chất chống oxi hóa. Công nghệ này chủ yếu được ứng dụng trong bổ sung khoáng chất và các vitamin. Hiện công nghệ này chưa được áp dụng rộng rãi trong nước, mới chỉ có ở một số dòng thuốc của các nước phát triển. Nhưng, hiện tại trường Đại học Y Dược đã nghiên cứu thành công công nghệ sủi này và sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu.

Bà Vũ Thị Phương - Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA cho biết, công ty của bà được phát triển dựa trên các bài thuốc cổ truyền, nhất là bài thuốc trị hen suyễn đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận lưu hành.

bữa sáng doanh nhân
Bà Vũ Thị Phương - Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA

Các bài thuốc này qua thực tế đã chứng minh có thể trị dứt được bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, phần lớn người dân hiện nay lại được các bệnh viện – nơi chuộng sử dụng các loại thuốc tân dược khuyến cáo hen suyễn không thể chữa khỏi. Do đó, công ty mong muốn được phối hợp với trường tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học để thúc đẩy công năng, tác dụng của các bài thuốc cổ truyền này. Với tư cách là một người trong ngành dược, bà Phương còn hi vọng có thể phối hợp với trường phát triển ngành đào tạo Chăm sóc dược. Bởi các trường hiện nay hầu hết đào tạo dược lâm sàng để tư vấn thuốc cho các bệnh viện, mà “bỏ quên” mất chăm sóc dược để tư vấn cho cộng đồng.

Đáp lời bà Vũ Thị Phương, GS.TS Nguyễn Thanh Hải cũng công nhận tính hiệu quả của các bài thuốc gia truyền, và kỳ vọng có sự hợp tác giữa 2 bên sau chương trình này.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc của Trung tâm y học cổ truyền Vinmec – Sao Phương Đông phản ánh về quy định hàm lượng thuốc đông y trong y dược cổ truyền. Thực tế hiện nay rất nhiều nhà thuốc gắn mác thuốc cổ truyền nhưng hàm lượng thuốc cổ truyền rất ít mà phối trộn nhiều tân dược…

bữa sáng doanh nhân
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm y học cổ truyền Vinmec – Sao Phương Đông

GS.TS Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc hàm lượng sử dụng và tỷ lệ phối trộn được các cơ quan chức năng như Cục Quản lý dược quy định và quản lý. Trong quá trình đăng ký lưu hành, doanh nghiệp sản xuất phải kê khai đầy đủ các loại dược liệu, tỷ lệ phối trộn, công dụng… để cơ quan quản lý nắm được và cấp phép. Nếu trong quá  trình sản xuất, doanh nghiệp có phối trộn các thành phần khác ngoài thành phần đã kê khai, khi phát hiện, sẽ bị xử lý nặng.

Thực tế, hiện nay có nhiều sản phẩm thuốc đông y bán ra thị trường không qua các đơn vị chức năng cấp phép, mà xuất phát từ các phòng khám đông y nhỏ hoặc các cá nhân tự bốc thuốc. Cho nên người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm được cấp phép, có nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP và được nhà nước quản lý.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm cho biết Trường Đại học Y - Dược có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ đã được Hội đồng chuyên gia thẩm định chất lượng và chuyển giao tới doanh nghiệp như Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Traphaco hoặc tới các địa phương như Sơn La, Quảng Bình… Thông qua các chương trình Bữa sáng doanh nhân này, PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm cũng kỳ vọng, sẽ sớm kết nối được với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam để các thành tựu khoa học công nghệ của Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội) sớm được chuyển giao thành công, thương mại hóa, trở thành các sản phẩm có ý nghĩa đối với xã hội. Hiện nay ĐHQG Hà Nội chưa đặt mục tiêu kinh tế với các kết quả khoa học mà mục tiêu chính là đưa các sản phẩm này ra thị trường để đóng góp cho xã hội.

Dành lời cảm ơn tới lãnh đạo Trường Đại học Y - Dược, ĐHQG Hà Nội, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong thời gian ngắn của Chương trình Bữa sáng doanh nhân, các doanh nghiệp đã được nghe về thành tựu công nghệ ngành dược, được chia sẻ giải đáp các thắc mắc trong việc sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm dược phẩm mới trên cơ sở có kết quả nghiên cứu sâu rộng của các nhà khoa học. Cuộc trao đổi giữa các doanh nghiệp và nhà trường tuy mới chỉ ở mức tìm hiểu, khảo sát nhưng cũng đã mở ra nhiều ý tưởng hợp tác giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp.

Chủ tịch giao nhiệm vụ cho văn phòng hai hiệp hội VACOD và HBA tiếp tục triển khai, kết nối thông tin bài trình bày của GS.TS Nguyễn Thanh Hải tới các doanh nghiệp, đồng thời làm cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận và tìm hiểu rõ hơn về các công nghệ mà trường Đại học Y Dược cũng như ĐHQG Hà Nội có thể cung cấp, tiến tới có những cuộc làm việc cụ thể hơn để các kết quả nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Một số hình ảnh khác tại chương trình:

bữa sáng doanh nhân
PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (bên phải) và GS.TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (ĐHQG Hà Nội)
bữa sáng doanh nhân
Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Chủ tịch Trung tâm châu Âu – châu Á thuộc Liên minh châu Âu (bên trái) và PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm - Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQG Hà Nội)
bữa sáng doanh nhân
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực VACOD và ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm y học cổ truyền Vinmec – Sao Phương Đông
bữa sáng doanh nhân
bữa sáng doanh nhân

Có thể bạn quan tâm