Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề phát triển bền vững

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và là một xu thế, đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề phát triển bền vững, đồng thời giúp cải thiện năng suất lao động, cũng như tăng cường khả năng kết nối.

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, người dân và doanh nghiệp (DN), trong bối cảnh đó, những DN sớm triển khai chuyển đổi số có sức chống chịu tốt hơn. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá, từ đó phát triển bền vững hơn. 

Đây là những nội dung được trao đổi tại chương trình đối thoại cùng báo chí với chủ đề “Chuyển đổi số để bứt phá: Giải pháp công nghệ hay tư duy chiến lược của DN” do Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức ngày 31/8 theo hình thức trực tuyến.

Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Năm 2021, những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đầy thách thức đó, làn sóng chuyển đổi số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD cho biết, buổi đối thoại nhằm làm rõ hơn những vấn đề nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất – kinh doanh theo mô hình kinh tế số.

“Thông qua chương trình, đại diện các doanh nghiệp phát triển bền vững cũng chia sẻ các thông lệ tốt, kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tìm thấy các cơ hội kinh doanh mới, vượt qua các thách thức do đại dịch gây ra trong thời gian qua.”, ông Vinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Chiến lược Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho hay: Trên 80% lãnh đạo DN cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo DN dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong DN hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.

Theo đại diện của VNPT-IT, 3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ; thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Do đó, mỗi DN cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính riêng tư, chất lượng giảm, giảm việc làm...

Ông Urs Kloeti, Giám đốc Nhà máy Nestlé Bông Sen, cho biết: “Trong chuyển đổi số, chiến lược tiếp cận của chúng tôi tập trung vào việc phân tích các giá trị và cơ hội mấu chốt từ việc chuyển đổi hơn là chỉ quan tâm đến các danh mục công nghệ. Trước hết, cần ưu tiên số hóa về mặt dữ tiệu, từ đó tìm kiếm và áp dụng các công nghệ phù hợp. Điều quan trọng nhất trong chiến lược chuyển đổi số là trang bị và phát triển các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ nhân viên để tiếp cận và làm chủ công nghệ.”

Đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Traphaco chia sẻ, đối với tất cả các doanh nghiệp, điều đầu tiên là phải hướng đến khách hàng và tạo ra được lợi nhuận, doanh thu dựa trên việc hướng đến khách hàng, từ đó áp dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá, từ đó phát triển bền vững hơn.
Việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá, từ đó phát triển bền vững hơn. 

Từ kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ chuyển đổi số và là một đối tác chiến lược uy tín chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật mạng di động tiên tiến cho tất cả các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam trong hơn 28 năm qua, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia đánh giá các doanh nghiệp tham gia vào số hóa vì lý do kinh doanh có công nghệ hạ tầng số là yếu tố thúc đẩy, và quá trình số hóa công nghiệp đang diễn ra trên tất cả các mảng. Các mạng chuyên dụng và các dịch vụ mạng doanh nghiệp là những ví dụ cho các lĩnh vực đang tận dụng lợi thế của công nghệ di động 5G, song song với AI, tự động hóa và Internet vạn vật (IoT).

Cũng theo ông Denis Brunetti, công nghệ 5G đang được ứng dụng rất hiệu quả trong việc chuyển đổi các ngành công nghiệp và xã hội, ví dụ như sản xuất thông minh, thành phố thông minh, lưới điện thông min, xe ô tô tự lái, và các ứng dụng chăm sóc sức khỏe tân tiến. Nhưng quan trọng hơn, 5G sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và đây cũng là cơ hội để cho những nhà khởi nghiệp, những người có tư duy kinh doanh có thể đưa ra những mô hình mới, cách làm mới.

Chương trình “Đối thoại cùng báo chí về phát triển bền vững” là hoạt động thường niên được VBCSD-VCCI triển khai từ năm 2018, nhằm cập nhật và lan tỏa thông tin về hoạt động thực hiện phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng nói chung và các cơ quan truyền thông nói riêng.

Có thể bạn quan tâm