Ba cấp độ phát triển bền vững giúp doanh nghiệp sẵn sàng hưng thịnh

Doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức của đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong làn sóng bùng phát lần 4 với mức độ “sát thương” mạnh mẽ hơn.
Ba cấp độ phát triển bền vững giúp doanh nghiệp sẵn sàng hưng thịnh

Rất nhiều tỉnh thành đã phải áp dụng chỉ thị 15, chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhưng việc giãn cách xã hội sẽ tạo nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động sản xuất. 

Trước vấn đề bức thiết và "sống còn" hiện nay của doanh nghiệp, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất vừa phòng dịch và bảo vệ an toàn sức khoẻ của người lao động, Thương Gia đã có cuộc trò chuyện ngắn với bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam. Một cuộc trò chuyện nhanh nhưng để lại nhiều điều thú vị.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam
Bà Trần Thị Thúy Ngọc – Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam

Thưa bà, Deloitte Việt Nam được biết đến là một trong những thành viên tiên phong và tích cực của mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam vì sự phát triển bền vững VBCSD. Bà có thể cho biết, doanh nghiệp cần làm gì để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục trong diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 tính tới thời điểm hiện nay?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phát triển bền vững là vấn đề chỉ nên cân nhắc trong điều kiện phát triển bình thường. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 xảy ra khiến doanh nghiệp phải đối mặt với những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ trong dài hạn. Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, cũng là mục tiêu của mỗi doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, đại dịch được coi như một thách thức lớn lao và là phép thử đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, phát triển bền vững được chia thành ba cấp.

Đầu tiên là duy trì hoạt động kinh doanh liên tục (business continuity) – bao gồm duy trì nguồn lực để ứng phó nhanh với khủng hoảng, duy trì nguồn lực để vừa ứng phó vừa phục hồi, và tìm kiếm những kênh sản phẩm dịch vụ mới. Đây được coi là phát triển bền vững trong trạng thái bình thường mới. Ví dụ điển hình là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ. Theo Báo cáo Bán lẻ của Deloitte Việt Nam (tháng 7/2020), các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường tập trung vào gia tăng các tương tác số thay vì tương tác vật lý, dẫn đến bước tăng trưởng nhảy vọt trong bán hàng đa kênh. Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tăng 1,9 triệu tỷ đồng, tương đương 3,4%, so với 6 tháng đầu năm 2019.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần lựa chọn định vị chiến lược phù hợp tùy thuộc vào phân tích tương quan giữa mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp. Đối với nhóm các doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng để vượt qua khủng hoảng có thể phát triển theo chiến lược “Cần vượt sóng” (nhóm ảnh hưởng thấp), “Vẫn trôi nổi” (nhóm ảnh hưởng cao), hoặc lên “Kế hoạch cho tái sinh” (nhóm ảnh hưởng trung bình). Đối với nhóm các doanh nghiệp có độ sẵn sàng ở mức độ trung bình, có thể lựa chọn chiến lược “Tăng cường vị trí dẫn đầu”, “Phá vỡ ranh giới truyền thống”, hay “Tăng tốc thay đổi”.

Và cuối cùng, đối với nhóm doanh nghiệp tận dụng được khủng hoảng như cơ hội để đổi mới, chúng tôi khuyến nghị cần chuẩn bị kế hoạch cho các kịch bản “Sẵn sàng hưng thịnh”, “Chuyển đổi nhanh chóng”, hay “Nhanh chóng tái tạo”.

Cũng theo khảo sát gần đây của Deloitte, ưu tiên chiến lược được các lãnh đạo quan tâm nhất bao gồm: Những thay đổi lâu dài về hành vi của người tiêu dùng và khả năng tương tác với khách hàng (chiếm khoảng 70% tỷ lệ doanh nghiệp tham gia khảo sát); Công nghệ và hệ thống sẽ trở thành “việc thường ngày của doanh nghiệp” (61%); và duy trì các mô hình kinh doanh mới (45%).

Vậy Deloitte có sự hỗ trợ như thế nào đối với doanh nghiệp để thúc đẩy doanh nghiệp bám sát phát triển bền vững?

2021 là năm thứ hai liên tiếp xảy ra đại dịch COVID-19. Deloitte Việt Nam luôn chủ động và tích cực đồng hành cùng với khách hàng của Deloitte nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trong bối cảnh thị trường thay đổi và thu hẹp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp để tái cấu trúc tài chính tập trung vào tái cấu trúc nợ, Deloitte cũng tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp tập trung rà soát các quy trình kinh doanh (business process review) nhằm đảm bảo tính hiệu quả hệ thống mà trong điều kiện bình thường nhiều doanh nghiệp chưa chú ý tới. 

Deloitte cũng tiếp tục đào tạo, chia sẻ thông qua các diễn đàn, hội thảo, các báo cáo, cũng như tư vấn những mô hình doanh nghiệp phù hợp hướng tới việc củng cố tinh thần kiên tâm của đội ngũ lãnh đạo, bao gồm cả Hội đồng Quản trị và lãnh đạo cấp cao. Cẩm nang “Ứng phó, phục hồi, và phát triển” mà các chuyên gia của Deloitte phối hợp với VCCI thực hiện trong năm 2020 không chỉ là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp để ứng phó và phát triển bền vững với Covid-19, mà còn giúp doanh nghiệp tự đánh giá và có thể áp dụng với những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Cùng với đó, văn hóa đa dạng và bao trùm cũng là một yếu tố quan trọng với các doanh nghiệp thực sự theo đuổi hành trình phát triển bền vững. Đó cũng chính là văn hóa mà Deloitte đã và đang áp dụng, cùng với chiến lược ALL In (một chiến lược hiện thực hóa văn hóa đa dạng và bao trùm từ bên trong ra với cấp độ cao nhất, tạo cho người lao động một môi trường khiến họ tự hào, tự tin và được là chính mình, không chỉ bao gồm phụ nữ hay nam giới, mà cả những người lao động có xuất phát điểm thấp, người tàn tật, người yếu thế).

Những báo cáo chuyên sâu của Deloitte cũng đề cao vai trò và tạo cơ hội phát triển công bằng cho mọi nhân viên, có thể tạo ra những ảnh hưởng bất ngờ tới hoạt động quản trị, kinh doanh và vận hành doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp thúc đẩy tính đa dạng và bình đẳng giới có thể tăng gấp đôi khả năng đạt hoặc vượt các chỉ tiêu về tài chính, tăng gấp 3 lần năng suất lao động của nhân viên, gấp 6 lần tính sáng tạo, linh hoạt trong công việc, và gấp 8 lần khả năng đạt được những hiệu quả vượt trội trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, do đặc thù môi trường doanh nghiệp Việt, việc hiện thực hóa đa dạng và bình đẳng giới vẫn chưa đạt được những hiệu quả như kỳ vọng khi 95% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Dù sở hữu phần lớn lực lượng của thị trường lao động nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp này lại chưa đặt mối quan tâm vào các hoạt động phát triển bền vững cũng như bình đẳng giới. Trước thực trạng đó, Deloitte đã và đang triển khai thêm những sáng kiến để thực sự nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp biến ý tưởng thành hành động, để văn hóa đa dạng và bao trùm trở thành vũ khí mềm cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Chân thành cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…