Thay vào đó, các DN Việt Nam sẽ tập trung vào việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ (81% so với 95%). Các DN Việt Nam cũng tăng cường chú trọng vào vấn đề đạo đức và tính bền vững nhằm cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
“Chuyển đổi số, khả năng phục hồi và nâng cao trải nghiệm khách hàng là những yếu tố không thể thiếu của hoạt động kinh doanh ngày nay” - Ông Nguyễn Hồng Việt - Tổng giám đốc SAP Việt Nam cho biết. “Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, và đại dịch cho thấy thế giới của chúng ta mong manh đến thế nào. Chỉ những công ty thích ứng nhanh chóng mới có khả năng phát triển mạnh. Chúng ta cần làm việc linh hoạt hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn để tìm ra những cách thức hoạt động mới. Sáng kiến Lớn mạnh cùng SAP sẽ giúp các DN Việt Nam chuyển đổi toàn diện bằng cách thay đổi toàn bộ văn hóa và tư duy của một DN, thiết kế lại các quy trình kinh doanh nhằm kiến tạo những cách thức vận hành mới và luôn là DN tiên phong trong ngành”.
Nghiên cứu khu vực với chủ đề "Làn sóng số, xu hướng trải nghiệm và khả năng chịu đựng của DN: Các DN Đông Nam Á có thể chuẩn bị cho nền kinh tế mới như thế nào" cũng cho thấy, các DN Đông Nam Á đang ưu tiên tăng trưởng và nâng cao trải nghiệm khách hàng để duy trì động lực ổn định cho DN mình. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với những thách thức như thu hút và giữ chân nhân tài, áp dụng công nghệ điện toán đám mây cũng như khả năng phân tích, biến dữ liệu thành thông tin đáng giá.
Cụ thể, các DN tại ASEAN xác định trải nghiệm khách hàng là yêu cầu chiến lược để tồn tại và tăng trưởng, với hơn 1/3 (35%) cho rằng khả năng cung cấp dịch vụ tốt là giá trị và sự khác biệt cơ bản của họ. Trải nghiệm khách hàng tích cực cũng trở thành mục tiêu chiến lược hàng đầu của các DN trong khu vực, với trọng tâm là cá nhân hóa cho từng khách hàng (59%), cung cấp các sản phẩm và/hoặc dịch vụ chất lượng cao (55%), đảm bảo quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu khách hàng (53%) và giá thành cạnh tranh (51%).
Bà Verena Siow - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SAP Đông Nam Á cho biết: “Sau khi đã dần dần thích nghi với “bình thường mới” đến từ đại dịch COVID-19, các DN Đông Nam Á đang đứng trước thời khắc chuyển đổi quan trọng để hướng tới tăng trưởng và cạnh tranh lâu dài. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào đi chăng nữa, các DN cần phải chấp nhận chuyển đổi số để thực sự trở thành DN thông minh và luôn tâm niệm rằng khách hàng là huyết mạch cho sự tồn tại và tăng trưởng bền vững”.
Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các đối thủ có quy mô lớn hơn, các DNVVN trong khu vực ngày càng thấy khó khăn khi phải bắt kịp với những bất ổn và thách thức đến từ môi trường kinh doanh hiện tại. Các DNVVN được khảo sát cho thấy việc thích ứng với thị trường thay đổi quá nhanh (40%, so với 29% DN lớn), theo kịp mong muốn và nhu cầu mới của khách hàng (38% so với 43%) và khó giữ chân khách hàng hoặc thúc đẩy doanh thu từ khách hàng hiện tại (34% so với 30%) là những thách thức hàng đầu trong việc hoàn thành những mục tiêu chiến lược của họ.
Tại Việt Nam, các DN lớn phải đối mặt với các biến động của thị trường và sự gián đoạn hoạt động trên diện rộng, do vậy tập trung vào tăng trưởng (42%) trở thành ưu tiên chiến lược của họ. Các DN lớn cũng nhận ra rằng nền kinh tế trải nghiệm không chỉ bao gồm khách hàng - trải nghiệm nhân viên cũng quan trọng không kém. Họ có xu hướng coi việc cải thiện trải nghiệm của nhân viên và thu hút/giữ chân nhân tài hàng đầu là ưu tiên chiến lược (27%). Trong tương lai, xu hướng này có khả năng sẽ trở nên phổ biến hơn khi các DN tìm cách nâng cao sự nhanh nhẹn của tổ chức (27%) thông qua việc nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên của họ nhằm đáp ứng các thay đổi của thị trường.
Đối với các DNVVN Việt Nam, gần một nửa các ưu tiên chiến lược của họ tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng (44%), tăng lợi nhuận và cắt giảm chi phí (30%). Ngoài ra, việc xây dựng niềm tin với khách hàng được nhiều DNVVN coi là lợi thế cạnh tranh, giúp phục hồi nhanh chóng và mang đến nền tảng vững chắc mà họ cần.
Cho đến nay, sự tập trung chủ yếu vào trải nghiệm và dịch vụ khách hàng được ghi nhận là sự khác biệt và giá trị cốt lõi đối với các DN lớn, cũng như các DNVVN tại Việt Nam. Các DN Việt Nam tham gia khảo sát thường ít chú trọng vào việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, so với các doanh nghiệp khác trong khu vực…
Được thực hiện với sự hợp tác của Oxford Economics, nghiên cứu đã khảo sát 600 lãnh đạo doanh nghiệp — trong đó có 400 đại diện các DNVVN với doanh thu dưới 500 triệu đô la — tại 6 nước ASEAN bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines.