Chuyên gia lo ngại khi tín dụng có nguy cơ tăng trưởng “nóng”

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố của Market Intello, một trong những thách thức lớn của nền kinh tế đó là việc kiểm soát rủi ro vĩ mô trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ở mức cao.
Chuyên gia lo ngại khi tín dụng có nguy cơ tăng trưởng “nóng”

Lo rủi ro vĩ mô khi tín dụng tăng cao

Nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường của Market Intello vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2017.

Theo báo cáo, với sự phục hồi của kinh tế thế giới và rủi ro kinh tế và chính trị toàn cầu dần lắng xuống là nhưng tín hiệu đáng mừng để Việt Nam thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và mở rộng đầu tư trong nửa cuối năm 2017.

Bên cạnh đó, với những quyết tâm của Chính phủ trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% sẽ khiến cho nền kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm tiếp tục khởi sắc.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra lo ngại việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng trong việc giải ngân đầu tư dài hạn khi e ngại về sự bất ổn của nền kinh tế do nguy cơ tăng trưởng tín dụng quá mức trong những tháng cuối năm.

Vì thế, một mặt nâng mức tăng trưởng của Việt Nam cao hơn so với dự báo cũ, mặt khác báo cáo của Market Intello cũng dự báo khó có khả năng đạt được mức 6,7% như kỳ vọng của Chính phủ.

Cụ thể, báo cáo nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 lên mức 6,4%. Mức tăng trưởng cao hơn chỉ có thể đạt được nếu Chính phủ thuyết phục được cộng đồng doanh nghiệp về khả năng kiểm soát được rủi ro vĩ mô trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ở mức cao.

Nhận diện thách thức lớn trong tăng trưởng

Cũng theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế quý II bứt phá mạnh mẽ nhờ đà tăng trưởng khả quan ở lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với những thách thức đến từ hoạt động nhập siêu đi kèm với tiến độ giải ngân chậm chạp từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đáng lưu ý, chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi thâm hụt ngân sách nửa đầu năm 2017 duy trì ở mức cao. Thâm hụt ngân sách ước tính đến 15/6/2017 đạt mức 32,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ công đã tiệm cận mức 65% GDP . Như vậy, áp lực thâm hụt ngân sách lớn khiến chi tiêu công sẽ khó tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2017, báo cáo nhận định.

Nhóm nghiên cứu của Market Intello cũng cho rằng tình hình phân bổ và thực hiện đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) dù có chuyển biến tích cực trong quý II nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch năm.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN so với kế hoạch đạt 38,7%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và vốn tín dụng nhà nước còn thấp.

Nguyên nhân là tình hình giao vốn còn chậm, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp; việc chỉ đạo, điều hành ở nhiều địa phương và ban quản lý dự án còn thụ động và chưa khẩn trưởng thực hiện.

Đối với các dự án ODA, đòi hỏi việc giải ngân phụ thuộc vào cơ sở vốn năm được giao. Tuy nhiên, nhiều dự án được phân bổ vốn thấp hơn so với tiến độ thực hiện dự án hoặc một số dự án không được giao kế hoạch vốn nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án ODA.

Theo TS. Đinh Tuấn Minh, Trưởng nhóm Nghiên cứu Market Intello, Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 thông qua một loạt giải ngắn hạn.

Đặc biệt, trong khi chính sách tài khóa không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chính sách nới lỏng tiền tệ có vẻ như được Chính phủ cân nhắc. Ngân hàng Nhà nước đã có một số động thái để theo đuổi chính sách này. Trước hết là việc thuyết phục Chính phủ và Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu, mở đường cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tiếp đến, vào ngày 7/7, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất.

"Những giải pháp này không nghi ngờ gì, sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ xấu trong nền kinh tế còn nhiều, việc kích thích đầu tư thông qua đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể gây ra những rủi ro dài hạn nếu như nền kinh tế trong nước gặp phải những cú sốc từ bên ngoài. Lạm phát có thể quay đầu tăng nếu như giá hàng hoá cơ bản tăng trở lại", ông Đinh Tuấn Minh nói.

Theo N.Mạnh/ Bizlive

>> Nhóm ngân hàng lớn sẽ được "nới" tăng trưởng tín dụng?

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...