Chuyên gia Nguyễn Đức Kiên nói về “bệnh thừa tiền” trong nền kinh tế

bệnh-thừa-tiền.jpg

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như nội tại nền kinh tế chưa vượt qua giai đoạn khó khăn, việc lường trước được những biến cố có thể xảy ra sẽ giúp Việt Nam có phương án ứng phó kịp thời, linh hoạt, thực hiện tốt nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Thương gia có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia xoay quanh vấn đề này.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 đã được Chính phủ đặt ra ngay từ đầu năm, nhưng trước thực trạng kinh tế trong nước và thế giới không thuận lợi, nhiều ý kiến cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu này. Quan điểm của ông như thế nào? Nếu không đạt được mục tiêu trên thì đâu là điểm nghẽn của nền kinh tế?

Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023 mà Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết số 04/NQ-CP được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Cơ sở để xây dựng kịch bản tăng trưởng là số liệu lấy từ tháng 9/2022. Vì thế 6,5% là con số dự báo và mục tiêu để phấn đấu tại thời điểm đó. Chúng ta không lường trước được những khó khăn phát sinh sau thời điểm này đã khiến việc đạt được mục tiêu 6,5% trở nên vô cùng khó khăn.

Ví dụ giá xăng dầu của quý 2 và quý 3 năm 2023 đã có xu hướng tăng từ 60 USD đến hơn 90 USD như hiện nay. Chúng ta cũng không tính được hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed – Ngân hàng trung ương Mỹ). Ngay từ đầu năm 2023, họ vẫn tăng lãi suất tiền gửi ở thị trường Mỹ liên tục 3 lần.

Và chúng ta cũng không tính được lạm phát của các nước châu Âu lên xuống như thế nào. Hệ quả là xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm giảm hơn 10%, nhập khẩu giảm hơn 16%.

Những yếu tố bất định và khó lường như vậy góp phần làm cho bối cảnh thực hiện kế hoạch kinh tế năm 2023 của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.

bệnh-thừa-tiền-box.jpg
TS. Nguyễn Đức Kiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Hiện tại, Việt Nam có 3 trụ cột để tăng trưởng kinh tế bao gồm xuất khẩu ròng, tiêu dùng nội địa và đầu tư công.

Đối với xuất khẩu, do thị trường thế giới tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” đã dẫn tới giảm đơn hàng. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu đều giảm quy mô, lượng công nhân chờ việc và công nhân thất nghiệp tăng lên. Số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động của 8 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu ròng giảm thể hiện sản xuất công nghiệp giảm, số lượng doanh nghiệp cũng giảm, kéo theo đó tiêu dùng nội địa cũng giảm do thu nhập của người dân giảm.

Lúc này, chỉ còn đầu tư công là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Chúng ta thấy rằng năm 2023 tổng vốn đầu tư công đã tăng khoảng 25% so với năm 2022. Điều đó cho thấy Chính phủ đã có những kịch bản để dựa vào nguồn lực Nhà nước cố gắng đẩy tăng trưởng GDP lên mức độ cao nhất.

Rõ ràng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay là việc gần như không tưởng. Bởi khi chúng ta đặt ra chỉ tiêu ấy, bối cảnh và số liệu đầu vào rất khác so với hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, việc không đạt tăng trưởng GDP 6,5% là chuyện bình thường.

Vì nền kinh tế Việt Nam hội nhập rất mạnh mẽ với toàn cầu, nếu như các quốc gia khác đều đang giảm tốc mà chỉ riêng Việt Nam tăng, thì đó mới là điều phi lý.

gdp-cua-viet-nam-9-thang-dau-nam-2023-9101.jpg

Hiện nay nền kinh tế đang diễn ra nghịch lý là hệ thống ngân hàng mắc căn bệnh “thừa tiền”, nhưng các doanh nghiệp lại khó tiếp cận vốn, rơi vào tình trạng đói vốn, khát vốn để sản xuất, kinh doanh. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Đây là câu chuyện điểm nghẽn cả từ hai chiều. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết dù có tiếp cận được vốn thì họ cũng không có nhu cầu vay vì không dám mở rộng đầu tư trong bối cảnh nhu cầu thế giới và trong nước đều suy giảm. Ở chiều ngược lại, khi nhận thấy doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn, thì ngân hàng cũng không cho vay là điều tất yếu.

bank.jpg

Trước hết, ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh tiền. Họ huy động tiền của người dân để phục vụ cho nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng là thành phần của nền kinh tế, họ vay tiền ngân hàng để phát triển sản xuất. Khi rơi vào bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không có lợi nhuận sẽ khó chứng minh được năng lực với ngân hàng để tiếp cận vốn vay.

Đây cũng là nguyên căn tại sao thừa tiền trong ngân hàng. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt ngành ngân hàng giảm lãi suất, và bản thân ngân hàng cũng có những chỉ đạo rất quyết liệt.

Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng phải tự vận động để chứng minh hiệu quả hoạt động sản xuất của mình mới tiếp cận được vốn vay. Và nếu trong trường hợp sản xuất không có hiệu quả thì doanh nghiệp nên giữ nguyên quy mô, tìm cách tiết giảm chi phí hoạt động, sẽ tốt hơn đi vay ngân hàng.

doanh-nghiep-kinh-doanh-bat-dong-sna.jpg

Thị trường bất động sản 2 năm qua gần như bị “đóng băng”, có ý kiến cho rằng đến nay “vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp bất động sản và khối ngân hàng tháng 3/2023, Thủ tướng đã nhiều lần nói rất rõ rằng rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hoà. Vì thực tế, giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh nghiệp bất động sản đạt lợi nhuận rất tốt; do đó khi nền kinh tế chững lại sau đại dịch thì họ phải lấy lợi nhuận trước đó bù vào hoạt động của mình hiện tại.

Nghĩa là doanh nghiệp bất động sản phải hạ giá thành sản phẩm xuống giá trị thực, phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của nền kinh tế, để thu hút người mua. Còn nếu vẫn giữ giá như hiện nay thì thị trường sẽ kéo dài thêm giai đoạn “đóng băng”.

Nếu cứ nhất định giữ cách làm như hiện nay, doanh nghiệp bất động sản rất khó để xoay nguồn tiền, và có kêu nhiều thế nào đi chăng nữa cũng rất khó để tiếp cận vốn ngân hàng. Chúng ta đều biết một dự án muốn triển khai được phải từ 5 đến 7 năm mới xong thủ tục.

Khi triển khai các dự án, doanh nghiệp phải kiểm tra rất rõ cơ sở pháp lý của dự án thì mới làm được. Như vậy ngân hàng không thể “nhắm mắt” cho doanh nghiệp bất động sản vay tiền triển khai khi thủ tục của các dự án còn dở dang về pháp lý.

Tính đến tháng 9/2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành tới 140.000 tỷ đồng trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp lớn nợ hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, đặc biệt trong ngành bất động sản, nhiều doanh nghiệp đến kì hạn thanh toán mà không có khả năng thanh toán, gây nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về thực trạng trên?

Việc bùng phát trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2021 tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định nền kinh tế rất lớn. Điển hình là vụ việc của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát xảy ra trong năm vừa qua.

Nguyên nhân của nó có thể tóm tắt ở 3 vấn đề.

Thứ nhất, quản lý nhà nước buông lỏng, không tiến hành rà soát chặt chẽ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không bảo vệ quyền lợi trái chủ. Đây là trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, trách nhiệm của doanh nghiệp khi quá coi thường quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ nhắm tới lợi ích của mình bằng mọi giá, nên đã “nhắm mắt” phát hành mà không tính đến các yếu tố rủi ro.

Thứ ba, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm và không tìm đến các đơn vị tư vấn hoạt động đầu tư của mình.

Ngoài 3 nguyên nhân lớn mà chúng ta nêu lên thì cũng có một bộ phận các doanh nghiệp, các cơ quan liên kết với các tổ chức tín dụng, mập mờ giữa gửi tiền tiết kiệm với phát hành trái phiếu, mập mờ trong việc ngân hàng phát hành hay ngân hàng là người quản lý trái phiếu. Tuy nhiên “án tại hồ sơ”, đơn vị nào làm sai ở đâu chúng ta sẽ xử lý ở đấy.

đầu-tư-công.jpg

Như ông nói ở trên, trong 3 trụ cột phát triển kinh tế chỉ còn đầu tư công là có thế mạnh, nhưng giải ngân đầu tư công rõ ràng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rất quyết liệt giải ngân đầu tư công nhưng khả năng khó đạt được kế hoạch giải ngân đầu tư công trong năm nay. Theo ông, vướng mắc ở đây là gì? Có phải căn bệnh sợ trách nhiệm không?

Sau 8 tháng, giải ngân đầu tư công của năm 2023 đã đạt 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đề ra. Trong 4 tháng cuối năm, nếu phấn đấu tốt chúng ta có thể giải ngân gần 95% kế hoạch Thủ tướng đề ra.

Vấn đề giải ngân chậm là do năng lực các cơ quan tư vấn đầu tư của Việt Nam còn yếu, nên chúng ta không lường trước được khó khăn. Từ đó dẫn tới cùng lúc gặp nhiều khó khăn khi triển khai xây dựng hơn 1.000 km cao tốc trên cả nước.

Ví dụ điển hình là việc tuyến đường cao tốc ở miền Tây Nam Bộ đang thiếu gần 70 triệu m3 cát đắp nền.

Trên thực tế, khả năng cung ứng cát tối đa chỉ được 18 triệu khối/năm. Như vậy, ngay giữa khả năng thực tế và khả năng mong muốn đã có độ vênh, trong khi chúng ta lại dồn dự án vào khoảng thời gian rất ngắn để thực hiện. Đây là một bất cập mà các cơ quan chức năng tư vấn chưa làm tốt vai trò của mình.

Mặt khác, chúng ta cũng chưa chỉ ra được nếu phát triển bền vững thì đắp nền tốt hay là làm cầu cạn tốt và có loại vật liệu nào thay thế cát không. Những điều này các cơ quan tham mưu chưa làm tốt.

Ngoài ra, là khả năng tổ chức bộ máy linh hoạt, gắn với yêu cầu và trách nhiệm thực hiện. Một điều nữa là quan điểm nhận thức, điều này thuộc về vĩ mô. Bởi, các địa phương có thành lập các doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo có đất sạch phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội không.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi bị ảnh hưởng không. Vì nếu hoạt động không hiệu quả, sẽ không có tiền tạo ra khu đất sạch, không có tiền chuẩn bị các tiểu khu - khu tái định cư đảm bảo đời sống cho người dân... Vì vậy, chúng ta cần thay đổi từ nhận thức và phương pháp thực hiện để đạt mục tiêu phát triển kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...