Đại hội cổ đông thường niên của Vietcombank diễn ra sáng 28/4/2017
Sáp nhập ngân hàng nào?
Theo tài liệu đại hội, Vietcombank trình xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành tối đa gần 360 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ đồng, tăng thêm 10% so với mức hiện tại là 35.977 tỷ đồng.
Ngân hàng đưa ra hai phương án: chào bán ra công chúng cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; hoặc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức có năng lực tài chính (cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng 1 năm), có thể bao gồm cổ đông hiện hữu của Vietcombank với số lượng không quá 10 nhà đầu tư.
Mức giá phát hành sẽ không thấp hơn giá được định giá bởi tổ chức có chức năng xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa phiên giao dịch trên HOSE ngày liền kề trước ngày phát hành. Dự kiến ngân hàng sẽ thực hiện phát hành trong năm 2017-2018.
Vietcombank cũng công bố kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu từ đợt phát hành, cụ thể: đầu tư mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn, các hoạt động kinh doanh khác (khoảng 3.000 tỷ đồng), xây dựng sở (500 tỷ đồng), góp vốn vào đơn vị/dự án khác (100 tỷ đồng). Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng vốn nhằm chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.
Được biết, thời gian qua thương vụ chào bán 7,73% cổ phần (305,8 triệu cổ phần) cho quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) vẫn lùng nhùng, chưa đi đến hồi kết. Thương vụ này mới dừng lại ở một bản thoả thuận ghi nhớ hồi tháng 8/2016 thì gặp khó khăn, tưởng như đổ bể nhưng mới đây, đang có tín hiệu lạc quan hơn. Hiện, Vietcombank vẫn đang chờ sự chấp thuận từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho thương vụ được ước tính giá trị 400 triệu USD này.
Trong cơ cấu cổ đông, đến cuối năm 2016, Vietcombank có 2 cổ đông lớn là Ngân hàng Nhà nước sở hữu 77,11% vốn và cổ đông chiến lược Mizuho Bank Ltd nắm giữ 15% vốn.
Bên cạnh đó, có một khả năng đặt ra là Vietcombank nhận sáp nhận một tổ chức tín dụng để lập tức tăng ngay vốn điều lệ thêm 3.600 tỷ đồng.
Vietcombank hiện vẫn đang tham gia hỗ trợ tái cơ cấu cho một số ngân hàng 0 đồng là VNCB và một số ngân hàng khác theo nhiệm vụ chính trị. Hồi đầu năm nay, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết ngân hàng đã chủ động xây dựng, hỗ trợ một ngân hàng thương mại yếu kém và đã đăng ký với Thống đốc và trình Chính phủ. Sau khi nhận được phê chuẩn của Chính phủ và NHNN, Vietcombank cam kết sẽ là ngân hàng tiên phong tái cơ cấu thành công một ngân hàng yếu kém do Chính phủ và NHNN giao.
Danh tính của ngân hàng yếu kém này chưa được tiết lộ và liệu có phải là VNCB hay một tổ chức tín dụng khác mà Vietcombank đang nhắm tới sáp nhập?
Cắt cổ tức tiền mặt 8%
Năm 2017, Vietcombank đặt kế hoạch lãi trước thuế 9.200 tỷ đồng, tăng 8% so với số thực hiện năm qua và tỷ lệ cổ tức 8%.
Các chỉ tiêu kinh doanh được đặt ra ở mức thận trong, gồm: dư nợ tín dụng dự kiến đạt 547.133 tỷ đồng, tăng trưởng 15%, nợ xấu dưới 2% dư nợ. Huy động vốn cả năm 2017 dự kiến đạt 684.841 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. Tổng tài sản đến cuối năm 2017 đặt mục tiêu tăng 11%, lên mức 874.577 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận trước thuế của năm 2016 đạt 8.523 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, tăng trưởng 25%, Vietcombank dự kiến sẽ chia cổ tức 8% bằng tiền mặt, thấp hơn mức 10% như ĐHCĐ năm trước đã thông qua.
Quý 1/2017 lãi trước thuế 2.647 tỷ đồng
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2017, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận thuần quý 1 trước chi phí dự phòng rủi ro đạt hơn 4.047 tỷ đồng. Sau khi trích lập dự phòng 1.400 tỷ đồng, Vietcombank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 2.647 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.134 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31/3/2017, tổng tài sản của Vietcombank tiếp tục tăng lên 792.582 tỷ đồng. Huy động vốn cuối kỳ đạt 609.767 tỷ đồng (tăng 3,2%), cho vay khách hàng đạt 495.870 tỷ đồng, tăng 8,5%. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng mạnh lên 9.453 tỷ đồng.
Quy mô nợ xấu của Vietcombank tiếp tục tăng lên 7.332 tỷ đồng, chiếm 1,47% dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm hơn 4.325 tỷ đồng./.