Cổ đông MB thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu, mục tiêu lãi kỷ lục 4.500 tỷ đồng

Với kết quả lợi nhuận tăng trưởng ổn định, tài chính lành mạnh, chia cổ tức đều đặn, một số cổ đông của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã: MBB) bày tỏ mong muốn được nhận cổ tức bằng cổ phiếu để làm “củ
Cổ đông MB thích nhận cổ tức bằng cổ phiếu, mục tiêu lãi kỷ lục 4.500 tỷ đồng

Sáng nay 26/4, Đại hội cổ đông thường niên 2017 của Ngân hàng MB đã diễn ra thành công, trong đó, đã thông qua các nội dung tờ trình quan trọng về hoạt động kinh doanh năm 2016 và kế hoạch 2017, phương án phân phối lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn điều lệ…

Tăng vốn hơn 1.027 tỷ đồng

Báo cáo với cổ đông, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc cho biết năm 2016 là năm tăng trưởng khả quan của MB với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.651 tỷ đồng. Riêng ngân hàng ghi nhận mức lãi 3.700 tỷ đồng, đã hoàn thành vượt kế hoạch được cổ đông giao cho. Với kết quả này, MB phấn đấu năm 2017 sẽ tăng lợi nhuận trước thuế hợp nhất lên mức 4.532 tỷ đồng, riêng ngân hàng lãi 4.300 tỷ đồng và cổ tức 11%.

Tại thời điểm 31/12/2016 tổng tài sản của MB tăng lên đạt 256 nghìn tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt gần 195 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng hơn 150 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát 1,32% dư nợ.

Trên cơ sở lợi nhuận tăng trưởng tốt, Hội đồng quản trị đề xuất phương án dành một phần lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, MB sẽ chia cổ tức tổng cộng 11%, gồm 6% bằng tiền và 5% bằng cổ phiếu. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành thêm 85,63 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 của năm 2016 với giá trị vốn tăng thêm 856,37 tỷ đồng.

Tiếp đó, sẽ chào bán gần 17,13 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (mệnh giá 10.000 đồng/CP), giá trị tăng vốn 171,27 tỷ đồng. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành.

Tổng lượng phát hành của hai đợt là 102,7 triệu cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong thời gian từ quý 2 đến quý 4/2017, sẽ do HĐQT quyết định thời điểm cụ thể. Như vậy, năm nay MB sẽ tăng vốn điều lệ từ 17.127 tỷ lên 18.155 tỷ đồng.

Trả lời các chất vấn của cổ đông, ông Lưu Trung Thái cho biết, Chiến lược kinh doanh những năm tới của MB là vào top 5 về hiệu quả (lợi nhuận, quy mô, ROE). Mục tiêu lợi nhuận tập đoàn tăng gấp 3 lần so với năm 2016 nên phấn đấu doanh thu cần tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. HĐQT xây dựng chiến lược bám sát kế hoạch đã đưa ra dựa trên 3 trụ cột là Ngân hàng cộng đồng- Ngân hàng chuyên ngành - Ngân hàng số; và 2 nền tảng quản trị rủi ro và năng lực thực thi nhanh.

Lý giải quyết định đầu tư mạnh vào ngân hàng số, Chủ tịch Lê Hữu Đức, MB sẽ có nhiều thuận lợi nếu triển khai ngân hàng số khi đã đầu tư khá nhiều cho công nghệ thông tin. MB cũng có đối tác chiến lược là Viettel với nhiều chương trình hợp tác phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sản phẩm phù hợp sự hợp tác của khách hàng. Do đó, MB cũng tận dụng kênh phân phối của Viettel cho việc phát triển các sản phẩm ngân hàng số này.

Khả năng nhận sáp nhập một ngân hàng

Theo báo cáo của Chủ tịch Lê Hữu Đức, trong giai đoạn 2017 - 2021, MB đặt mục tiêu nằm trong top 5 ngân hàng về hiệu quả kinh doanh dựa trên 3 trụ cột và 2 nền tảng. MB sẽ tận dụng cơ hội hợp tác với Fintech, xu hướng M&A để tăng quy mô, có thể thực hiện mua bán sáp nhập với một ngân hàng khác để tăng quy mô nếu phù hợp và hiệu quả, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa cổ đông và các nhà đầu tư.

Theo ông Lê Hữu Đức, việc sáp nhập với ngân hàng khác sẽ được HĐQT nghiêm cứu để tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán đối tác phù hợp với chiến lược phát triển và phù hợp với quyền lợi cổ đông. Sau khi chọn được đối tác sẽ báo cáo cổ đông.

Cổ đông cũng bày tỏ băn khoăn về giá cổ phiếu MBB hiện thấp hơn một số ngân hàng quy mô tương đương như ACB… Giá MBB giao dịch quanh mức 15.000 đồng/CP.

Lãnh đạo MB cho hay, giá cổ phiếu thời gian qua không tăng được là do tăng vốn khá nhanh. Trong 5 năm tới, MB có 3 phương án tăng vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh và Basel II, trong đó, ưu tiên huy động vốn từ trái phiếu dài hạn để giảm bớt chi phí, tăng EPS. Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng năm tới cũng khá cao, từ đó tạo điều kiện để tăng EPS cho cổ đông.

“Trong 5 năm vừa qua, so với nhóm VCB, CTG, ACB… thì thu nhập từ cổ phiếu MB chỉ đứng sau VCB nếu xét về cổ tức và giá trị cổ phiếu gia tăng. Giá trị cổ phiếu thấp một phần là do chưa đẩy mạnh truyền thông và chúng tôi cam kết sẽ đổi mới về hình ảnh ngân hàng để giúp tăng giá trị cho cổ phiếu MBB”, lãnh đạo MB nói.

Dù vậy, một số cổ đông lâu năm bày tỏ đồng tình với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu như một khoản “để dành cho con cháu”. Với thị giá cổ phiếu MBB giao dịch trên mệnh giá, cổ tức chia đều đặn hàng năm từ 10-15%, đồng vốn của cổ đông đang sinh lời khá tốt. Về dài hạn, cổ đông bày tỏ tin tưởng vào định hướng kinh doanh tăng trưởng ổn định và an toàn của ban lãnh đạo.

Ông Trần Nam Phi, đại diện Thanh tra giám sát NHNN đánh giá MB là một trong những ngân hàng phát triển lành mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong 3 năm qua, MB vẫn duy trì chia cổ tức khá cao từ 10-15% (bằng tiền và cổ phiếu), cho thấy sự tăng trưởng bền vững và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Dự kiến, tháng 6 năm nay, NHNN sẽ có chỉ đạo các ngân hàng cơ cấu lại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2017 – 2021 và MB cũng sẽ phải xây dựng định hướng, chiến lược phù hợp./.

>> Ngân hàng MB bất ngờ tăng vốn 1.027 tỷ đồng, chia cổ tức 11%

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...