Có một ngôi làng ngủ quên dưới chân Cổng Trời - Nậm Đăm

Vừa qua khỏi dốc Bắc Sum là Cổng Trời Quản Bạ, điểm khởi đầu của Con đường hạnh phúc vắt qua những dãy núi dài. Đứng từ Cổng Trời Quản Bạ có thể nhìn toàn cảnh thị trấn Tam Sơn yên bình và Núi Đôi nổi tiếng.

Phải lòng Hà Giang từ lần đầu gặp gỡ, nhưng phải đến lần thứ 3 quay lại cao nguyên đá, tôi mới có dịp thảnh thơi ngồi uống ly café ấm nóng ở lưng chừng Cổng Trời, ngủ một đêm say giấc ở Nặm Đăm.

Sau một chặng dài trên xe máy, người ta sẽ muốn tận hưởng cảm giác thư thả khi ngồi ở quán café dưới Cổng Trời nhâm nhi một ly trà nóng hổi ngắm nhìn khung cảnh đồi núi bao la.

Khung cảnh từ Cổng Trời nhìn xuống Núi Đôi

Trong tác phẩm Bên kia Cổng Trời của Ngôn Vĩnh có thông tin rằng, người Pháp đã từng dựng một cánh cửa khổng lồ được làm bằng gỗ nghiến dày 150cm ngay Cổng Trời vào năm 1939.

“Đây là cửa ngõ phía Nam của vùng Đồng Văn, một cửa ải án ngữ mọi cuộc tấn công của đối phương. Từ Hà Giang lên Đồng Văn phải qua cửa ải này. Một trung đội giữ Cổng Trời thì hàng trung đoàn địch cũng không vượt qua được. Trước kia Cổng Trời chỉ là một khe núi tự nhiên nhưng khi chiếm được Đồng Văn thì Pháp liền cho làm đoạn đường Cán Tỷ và xây Cổng Trời, 400 dân công Mèo đã bỏ xác”.

Dọc đường lên Đồng Văn có rất ít quán café. Bởi vậy cũng không bất ngờ khi Cổng Trời là quán café được rất đông người ghé thăm check in, chụp ảnh, gọi một ly café nhâm nhi nghỉ ngơi ngắm cảnh.

Quán café Cổng Trời

Những ly nước ấm xua tan lạnh giá

Chúng tôi người gọi trà, đứa vẫn đam mê vị café, áp bàn tay đã lạnh cóng vào những chiếc ly ấm nóng, miệng xuýt xoa không ngớt. Chủ quán café Cổng Trời tên Giàng - một bạn trẻ người Dao mở vào năm 2017. Trò chuyện một lúc thì được biết Giàng còn tham gia vào hợp tác xã du lịch, phát triển mô hình homestay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp, kinh doanh dược liệu, đồng thời ấp ủ rất nhiều dự định táo bạo cho du lịch quê nhà.

Thôn Nặm Đăm

Theo xe Giàng, chúng tôi đi vào thôn Nặm Đăm, vùng đất bằng phẳng nằm dưới chân Cổng Trời, nơi có đến mấy chục hộ gia đình người Dao cùng làm mô hình Homestay cộng đồng. Cái hay của mô hình cộng đồng này là sự liên kết và tập trung được nhiều nguồn lực, cũng như chia sẻ được nguồn thu từ du khách cho mọi gia đình.

Hồ nước ở cổng vào thôn Nặm Đăm

Giàng dẫn tôi đến nhà văn hóa thôn bảo tôi thử tắm lá thuốc, cậu sẽ về nhà xem cơm nước chuẩn bị sao rồi, lát nữa tôi chỉ việc đi thẳng đến cuối đường là gặp nhà cậu. Tôi muốn thử tắm lá thuốc của người Dao Đỏ từ lâu rồi mà tận lần thứ ba trở lại Hà Giang mới có cơ hội thử. Trước khi về Giàng còn bỏ nhỏ “Chị cẩn thận say thuốc nha, nhiều khách bị say lắm”. Tôi cười hiền hòa nghĩ: rượu chị uống còn không say thì ngửi mùi dăm ba cái lá thuốc sao say được em. Mọi người cười ồ bảo để rồi xem.

Em gái ở chỗ tắm lá thuốc dẫn tôi ra khu nhà tắm phía sau, rất sạch sẽ. Nước tắm đã pha sẵn trong bồn, tôi ngu ngơ hỏi tắm nước này xong thì có phải tắm lại nước lạnh không. Em ấy bảo chị mà làm vậy là mất tác dụng của thuốc. Vào nhìn thấy cái bồn tắm bằng gỗ to đùng nước bốc hơi nghi ngút, tôi cũng hơi sợ sợ, có khi nào say ngất trong đây không. Em gái dặn nếu thấy chóng mặt khó chịu thì chị ra luôn nhé.

Nhưng kết quả ngoài sức tưởng tượng, sau một ngày bị dần nát nhừ trên con xe máy từ Hà Nội lên, được ngâm trong nước nóng lá thuốc, lỗ chân lông nở ra, mồ hôi thoát ra, da mịn như da em bé, người sảng khoái thư thái như tiên giáng trần, tôi thiếu điều muốn ngủ luôn trong bồn tắm.

Tắm xong xuôi tỉnh táo khỏe mạnh xinh đẹp, chúng tôi đi tiếp về nhà Giàng cách đó một đoạn. Mẹ Giàng và anh trai ra đón niềm nở như khách quý, chỉ phòng trên gác cho hai đứa đi cất đồ. Xuống dưới nhà thì đồ ăn đã xong xuôi cả mâm đầy và hai cái bát tô rất chi là nhiều rượu. Tối đó có chúng tôi và anh Cường ở Hà Nội lên là khách, còn lại là người nhà: anh Rèn, chị Thím là bố mẹ nuôi của Giàng, anh Dòng, chị Liềm là anh trai và chị dâu, hai bố mẹ, bạn gái của Giàng và một người bác.

Bác của Giàng bị mù nhưng thích nói chuyện tấu hài. Bác hỏi tôi với bạn tôi bao nhiêu tuổi rồi, bạn tôi bảo 30, cậu ấy đang định nói tuổi tôi thì tôi nhanh miệng bảo “Cháu 19 bác ạ, bác nghe giọng là biết rồi đúng không?”, bác cười khà khà, vui vẻ chẳng thèm chấp con bé ảo tưởng.

Bữa ăn rất nhiều món lạ ở homestay

Ở trên đây nhậu rất văn minh - theo lời anh Cường nói, vì vừa uống vừa được ăn chứ không như dưới xuôi, nhậu đã đời chả được ăn gì. Mọi người ở đây cứ bới cơm đầy chén, uống cứ uống mà ăn vẫn ăn. Nhập gia tùy tục, tôi biết mọi người hiếu khách, bản thân tôi cũng thích thử các loại đồ uống bản địa.

Ngay ly đầu tiên uống cùng cả nhà tôi đã cảm thấy ruột nở ra từng khúc và bốc cháy. “Rượu nhà tự nấu đấy, uống đi em đừng sợ” - cả nhà ai cũng bảo vậy. Cạn ly theo tiếng người Dao là “Tọc”. Tôi uống được ba lần “tọc” thì phi ngay ra bàn trà tìm nước lọc uống. May mà lát sau anh Cường mang ra một chai rượu Bâu - là loại rượu làm thủ công từ đương quy và vài loại dược liệu, ngọt ngào và nhẹ nhàng hơn.

Dĩ nhiên không thể thiếu rượu

Bữa ăn có thịt lợn gác bếp rang, thịt nướng, nem rán, canh hến nấu mồng tơi, măng xào. Cả nhà thay nhau mời khách, uống cũng nhiều lần “tọc”. Ăn cơm xong cả nhà quây lại uống trà, ngồi chơi nói chuyện đủ thứ trên trời dưới bể rồi đi ngủ trong cơn mưa lộp độp trên mái ngói báo hiệu cho chúng tôi về chặng đường ướt át lạnh lẽo hôm sau.

Tôi thức giấc ở Nặm Đăm khi trời vẫn còn mù mù tối bởi tiếng gà gáy lao xao vọng về từ núi xa, tiếng mưa rào rạt trên tán cây rừng cạnh nhà và bởi tiếng nhạc của Đen Vâu mà bạn tôi đang mở. Chúng tôi dậy sớm ngồi trầm ngâm ở ban công ngắm cảnh, bó gối yên tĩnh nghe nhạc Đen Vâu phát ra hợp đến bất ngờ:

“Em ơi đừng sợ nỗi buồn khó trôi

Mặt trời kiểu gì cũng sẽ ló thôi

Cơn mưa sẽ khiến cây khô ló chồi

Sớm mai thức dậy mình vẫn có đôi”.

Khung cảnh homestay buổi sớm

Trời sầm sập ủ dột, ầng ậc hơi nước mịt mù, thỉnh thoảng vài tảng mây vờn sà xuống những ngọn cây cao. Trước homestay, có vài cây đào, tôi tưởng tượng mùa xuân chắc nơi này sẽ rực rỡ trong nắng. Ngược lại, thực tại mưa gió bỗng khiến con người ta lười biếng. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng nổ máy chào tạm biệt gia đình Giàng phóng xe đi tiếp, bởi nắng đã hé, bởi phở Tráng Kìm thơm lừng đang chờ.

Cơn mưa sớm làm con đường dẫn lên Đồng Văn vắt vẻo đầy mây trắng, trời mát lạnh dễ chịu. Ven đường một cây gạo cô đơn nở hoa rực rỡ thắp sáng cả một vùng trời, ngạo nghễ trên nền đá xám xịt. Lang thang trên miền đất này mùa nào cũng dễ dàng lạc vào thiên đường của hoa cỏ, mùa thu thì gặp cúc cam dại, mùa đông là hoa tam giác mạch, mùa xuân bạt ngàn hoa cải hoa đào. Riêng cái khoảng cuối tháng Hai đầu tháng Ba dọc những triền sông và những rìa núi cao, hoa gạo đơm bông đỏ rực báo hiệu cho những đợt rét buốt cuối cùng trước khi mùa hè đến.

Hoa gạo nở ven đường

Đồng Văn đã rất gần, còn Nặm Đăm lại đang xa dần. Tạm biệt và sẽ còn gặp lại vào một ngày mùa xuân!

Đón bình minh giữa biển mây Tà Xùa

Trước ngày đi Tà Xùa, có câu hát cứ văng vẳng trong tâm trí tôi: “Ngồi xuống đây nhìn mây bay. Ngồi xuống đây vọc lá...

Có thể bạn quan tâm