Cổ phiếu ngân hàng đầu năm sôi động, cuối năm “chờ đợi”

Dưới tác động của chính sách và các yếu tố vĩ mô hỗ trợ, giá cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực, cả trên thị trường chứng khoán tập trung và phi tập trung. Tuy nhiên, dấu hiệu chững lại đã
Cổ phiếu ngân hàng đầu năm sôi động, cuối năm “chờ đợi”

Nhiều mã tăng giá gấp đôi, gấp ba mức tăng của VN-Index

Hòa cùng diễn biến tăng trưởng của VN-Index từ đầu năm đến nay (VN-Index tăng trên 20%), hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều tăng giá mạnh. Trong đó, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội dẫn đầu về mức tăng giá, tăng hơn 84%, từ 12.700 đồng/cổ phiếu lên 23.400 đồng/cổ phiếu. Tiếp theo là cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, với mức tăng hơn 72%.

Với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, trong hơn 1 tháng sau khi niêm yết, giá cổ phiếu này có diễn biến giảm, nhưng hiện đã tăng lên mức 41.000 đồng/cổ phiếu, so với mức 39.000 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên đầu tiên (17/8/2017).

Hiệu ứng tích cực này đã lan tỏa đến nhiều cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường phi tập trung. Một số cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư rốt ráo săn mua có thể kể đến như HDBank của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, hiện giao dịch ở mức 23.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Techcombank của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, đang giao dịch ở mức 49.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông đang giao dịch ở mức 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu.

Theo nhân viên môi giới của một số công ty chứng khoán, cổ phiếu HDBank đạt mức tăng giá hơn 66% trong vòng 2 tháng qua, từ 15.000 đồng/cổ phiếu lên 25.000 đồng/cổ phiếu.

Động lực tăng giá... khó!

Dù không hấp dẫn bởi chính sách cổ tức, nhưng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng, bởi yếu tố an toàn cao, là nhóm ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn trong VN-Index. Thêm vào đó, bối cảnh hiện nay, cổ phiếu ngân hàng được cho là hấp dẫn bởi những tác động tích cực về mặt chính sách và yếu tố vĩ mô.

Cụ thể, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua, nhà đầu tư kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ sớm giải quyết được “cục máu đông” kìm hãm đà phát triển, đó là nợ xấu.

Thực tế, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được thông qua cách đây hơn 3 tháng và phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng, nhưng thời gian gần đây, những tác động chính sách lên ngành ngân hàng cho thấy những dấu hiệu rõ ràng hơn.

Ngoài quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng tài sản đảm bảo, rút ngắn thời gian xử lý các tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, Nghị quyết số 42 cho phép tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cùng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được bán nợ xấu dưới giá trị, theo giá thị trường và có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Với các tài sản đảm bảo phần lớn là bất động sản, đặt trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay tương đối thuận lợi, việc bán các khoản nợ xấu được nhận định sẽ dễ dàng và có thể được giá hơn. Các ngân hàng gồm BIDV, Sacombank, ACB, VietinBank, Techcombank, Agribank cùng với VAMC được lựa chọn để thực hiện thí điểm.

Theo báo cáo của VAMC, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực ngày 15/8/2017, VAMC đã tiến hành thu hồi tài sản thế chấp là dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại Quận 1, TP.HCM cho khoản nợ lên đến hơn 7.000 tỷ đồng của nhóm khách hàng là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower, Công ty Đầu tư Liên Phát, Công ty Tư vấn đầu tư và Xây dựng Minh Quân, Công ty Tân Superdeck M&C.

Thêm vào đó, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới năm nay ở mức 20 - 22%, mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 11,5% cho thấy, dư địa tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm khá lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng trong quý IV, thông qua hoạt động cho vay tín dụng.

Mặt khác, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, có hiệu lực từ tháng 3/2017, quy định các tổ chức tín dụng không được cho vay vì mục đích đảo nợ và có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc khách vay quá hạn.

Theo ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc khối Nguồn vốn và đầu tư, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), với diễn biến tăng giá từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện không còn rẻ. Triển vọng tăng giá trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào kỳ vọng của nhà đầu tư về câu chuyện riêng của từng ngân hàng.

Dù vậy, ông Hiệp cho rằng, với vai trò và vốn hóa lớn, dòng tiền mạnh, đặc biệt dòng tiền mới giải ngân từ ngoại khối phân bổ một phần vào nhóm ngành ngân hàng, sẽ là yếu tố ủng hộ và duy trì vị thế của nhóm cổ phiếu này.

Công ty Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận, trong ngắn hạn, triển vọng ngành ngân hàng vẫn tích cực, lợi nhuận quý III/2017 và quý IV/2017 tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, về dài hạn, rủi ro đang dần hình thành khi Việt Nam đang cách rủi ro về bong bóng chất lượng tài sản khoảng 18 - 24 tháng nếu mục tiêu tăng trưởng cho vay được tiếp tục theo đuổi, bất chấp các chỉ báo khác từ huy động tiền gửi trong nước.

Theo Đầu tư Chứng khoán

>> Các cổ phiếu ngân hàng chào sàn 2017 đã biến động thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...