Tuy nhiên, dù tốc độ tăng trưởng về lượng khách “đáng nể” là thế, cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam vẫn bị xem là phát triển “lẹt đẹt”, chưa bắt kịp nhu cầu.
Điểm đến quốc tế - chuyện còn… xa xôi?
Ba năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong việc đầu tư các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn cao cấp trải dọc đất nước. Với sự vào cuộc của các nhà đầu tư chiến lược, Việt Nam đã có những resort, khách sạn đẳng cấp quốc tế như: InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc), Six Senses Ninh Van Bay (Khánh Hòa)…, biến nhiều địa phương trở thành những đô thị, vùng nghỉ dưỡng nổi tiếng như Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết, Mũi Né, Vĩnh Phúc… Không ít giải thưởng uy tín và danh giá trên thế giới đã được trao cho các khu nghỉ dưỡng, khách sạn của Việt Nam. Điều đó cho thấy sự phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch ở trong nước.
Tuy nhiên, ngoài hệ thống cơ sở lưu trú, nhìn chung điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của Việt Nam, vẫn bị xem là “lẹt đẹt” so với tốc độ tăng trưởng du lịch nói chung và lượng khách quốc tế nói riêng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, dù sở hữu nhiều resort, khách sạn cao cấp, nhưng Việt Nam chưa thực sự có nhiều điểm đến được đánh giá ở tầm vóc quốc tế, bởi còn thiếu nhiều yếu tố để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là sản phẩm du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm. Lấy ví dụ cho nhận định này, TS Hà Bích Liên, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cố vấn cấp cao cho hãng tàu Royal Caribbean Cruises (Mỹ) dẫn chứng: “Việc Cảng tàu khách quốc tế đầu tiên của Việt Nam tại Hạ Long (Quảng Ninh) được đưa vào sử dụng là bước tiến lớn để Việt Nam nâng cao năng lực tiếp đón du khách tàu biển vốn là đối tượng khách cao cấp, chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ có mỗi cái bến tàu thôi thì không đủ mà cần cả những sản phẩm dịch vụ cao cấp, những trung tâm mua sắm sang trọng, uy tín hay những khu vui chơi đẳng cấp tầm cỡ quốc tế để đáp ứng nhu cầu du khách…”.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, một điểm đến quốc tế không những cần phải đáp ứng tiêu chí về số lượng khách mà phải có tư duy làm dịch vụ hướng tới những nhu cầu của khách quốc tế. Mọi hoạt động từ thiết kế, đầu tư tới công tác quản lý… đều hướng tới mục tiêu đó.
“Một điểm đến được gọi là mang tầm vóc quốc tế trước tiên phải tiếp cận điểm đến trực tiếp, nghĩa là phải có sân bay quốc tế. Tiếp đó, đa số các cơ sở dịch vụ phải đạt chuẩn quốc tế. Yếu tố kết nối, quản trị… cũng phải tham gia được vào chuỗi du lịch toàn cầu, nghĩa là phải có sự liên kết với quốc tế, tham gia vào các tuyến du lịch liên quốc gia, vào chuỗi dịch vụ chung, là điểm dừng chân của các tuyến hành trình liên lục địa. Bên cạnh đó, tầm vóc của một điểm đến tầm cỡ quốc tế không chỉ đáp ứng dòng khách theo mùa vụ, mà phải bảo đảm sự hấp dẫn trong suốt cả năm, đáp ứng với những khách có nhu cầu khác nhau”- ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Và những vòng luẩn quẩn
Ngoài những địa phương đã vươn lên khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới bằng những con số ấn tượng về lượng khách, doanh thu hoặc những danh hiệu, giải thưởng quốc tế trao tặng cho các địa danh, sản phẩm du lịch trên địa bàn như Đà Nẵng, Hà Nội, TP. HCM…, thì vẫn còn không ít điểm đến giàu tiềm năng đang loay hoay với câu chuyện “con gà” và “quả trứng”. Muốn du lịch phát triển, lượng khách tăng và doanh thu khủng thì cần có cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng. Nhưng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thì lại đòi hỏi những kế hoạch dài hạn và có độ trễ, mà yếu tố quan trọng đầu tiên là… cần có nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư sẽ chỉ vào cuộc khi họ thấy có tiềm năng về nguồn khách và doanh thu. Cứ như vậy, cái nọ chờ cái kia, không biết đến bao giờ?
Vì lý do này mà không ít địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng chưa thể phát triển du lịch. Khi được hỏi về điều kiện cơ sở lưu trú, sản phẩm dịch vụ của Bắc Giang khi phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận: “Điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách, các hãng lữ hành phải đặt chỗ trước ở nhà nghỉ cộng đồng nếu muốn đưa khách về địa phương”.
Hay như Mẫu Sơn (nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn) - điểm đến được ví như “Đà Lạt Vùng Đông Bắc” và được đánh giá có dư địa phát triển còn hơn Sa Pa, “nhưng thời gian qua vẫn đón lượng khách vô cùng khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn khoảng 100-200 ngàn khách/ năm. Nguyên nhân cũng chỉ bởi điều kiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch phục vụ du lịch còn quá thiếu thốn.
Góp ý giải pháp cho vấn đề này, ông Hà Văn Siêu cho rằng: “Hiện nay ở Việt Nam, điểm đến của chúng ta diễn tiến theo hai xu hướng. Thứ nhất là những điểm đến đã tiếp cận đến những tới hạn của khách về độ quen biết như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Sa Pa… Những điểm đến này có cơ sở lưu trú tương đối nhiều, sản phẩm lại dễ dẫn đến nhàm chán nên cần có đầu tư làm mới sản phẩm. Đối với những điểm đến mới, các địa phương cần lưu ý đầu tư bài bản ngay từ đầu, bảo đảm đúng tầm cỡ, tránh sự manh mún kết hợp với việc khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng dân cư phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ”.