Con Cưng có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại

Theo ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy Con Cưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về gian lận thương mại.
Con Cưng có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại

Ngày 23/7, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra gần 70 cửa hàng Con Cưng ở TP.HCM sau khi phát hiện 3 cửa hàng có nhiều sai phạm về nhãn mác, xuất xứ trong buổi kiểm tra ngày 22/7.

Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Cục quản lý thị trường đã nhận được báo cáo chi tiết của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM về việc kiểm tra hệ thống cửa hàng bán lẻ Con Cưng. Tuy nhiên, hiện tại cơ quan chức năng chưa công bố rộng rãi, vì còn kiểm tra tiếp.

Ông Hùng cũng thông tin qua kết quả kiểm tra ban đầu, có thể khẳng định Con Cưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về gian lận thương mại. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang điều tra xem xét vụ việc. Cơ quan QLTT cũng đã có kế hoạch kiểm tra hệ thống các cửa hàng Con Cưng trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 22/7, Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp cùng Cục QLTT kiểm tra hàng hóa, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm tại 3 cửa hàng Con Cưng nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Tôn Thất Tùng (quận 1) và Hồng Bàng (quận 6).

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy các cửa hàng này có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ của nhiều sản phẩm như chiếc áo có nhãn "Made in Thailand" nhưng trên áo không có bất cứ tem nhãn nào khác để chứng minh nguồn gốc hoặc trên sản phẩm có in mã vạch của Thái Lan nhưng khi kiểm tra lại không hiển thị thông tin.

Tiếp tục kiểm tra sản phẩm kem massage bụng TITIONE được bày bán ở đây, trên nhãn ghi là Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE. Tuy nhiên, thực chất trên thân chai mỹ phẩm này lại ghi Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, địa chỉ văn phòng 413 đường số 1, phường Bình Trị đông B, quận Bình Tân…

Nêu quan điểm về sự việc xảy ra tại hệ thống Con Cưng, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM khẳng định, về việc sản phẩm bị lỗi, tem nhãn có dấu hiệu bị cắt và thay thế mà người tiêu dùng phản ánh thì đó là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo điểm đ khoản 1, khoản 4 Điều 66 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân thực hiện hành vi che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định bị phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1 tháng đến 6 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 6 tháng.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì vi phạm nêu trên có thể bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng; ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng; tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

 >> Đồng loạt kiểm tra nhiều cửa hàng Con Cưng ở TPHCM

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...