Còn nhiều "con dốc" cản trở du lịch trang trại hút khách tham quan

Tại hội nghị bàn tròn “Xúc tiến đầu tư bất động sản: Du lịch nông nghiệp Việt Nam", Ths. Nguyễn Văn Chung, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho biết, phát triển kinh tế trang trại kết hợp du lịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn...
du lịch trang trại
Du lịch trang trại được nhiều du khách quan tâm. Ảnh minh hoạ

Theo ông Chung, một số trang trại ngoài hoạt động nông nghiệp còn kết hợp hoạt động du lịch (du lịch trang trại) hoặc sản xuất phi nông nghiệp. Tuy nhiên các hoạt động này hầu hết phát triển tự phát, không có quy hoạch, không tuân thủ quy định về đất đai, xây dựng. Trong đó các trang trại kết hợp du lịch hầu hết chưa có giấy phép hoạt động du lịch, lao động không được đào tạo nên thiếu kiến thức và kỹ năng về du lịch.

“Hiện nay, phát triển du lịch nhưng chưa có quy định cụ thể cho việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp dẫn đến việc nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình tạm bợ vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng”, ông Chung đánh giá.

Thực tế, phần lớn các trang trại hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất của nhiều trang trại còn nhỏ. Chất lượng lao động trong các trang trại hiện nay còn thấp, năng lực quản trị và hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật của nhiều chủ trang trại còn hạn chế.

Về quy trình kỹ thuật sản xuất của các trang trại chưa hiện đại, chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đặc biệt ứng dụng tin học trong sản xuất, chế biến, bảo quản chưa nhiều.

Bên cạnh đó, sản phẩm của trang trại chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa cao và không ổn định, sản phẩm hàng hoá bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu.

Đa số các trang trại chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa và  việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi của một số trang trại thiếu hợp lý, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, mất cân đối cung cầu, giá trị đạt thấp.

Cùng với đó, số trang trại có hợp đồng liên doanh, liên kết chưa nhiều, mối liên kết chưa bền vững, do không có thị trường tiêu thụ ổn định trong khi năng lực cạnh tranh còn thấp nên chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp.

Ông Chung còn cho biết thêm, các chủ trang trại chưa có chính sách hỗ trợ riêng về phát triển và nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong trang trại nên đa số các trang trại có chất lượng lao động thấp, việc tiếp cận và triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật và triển khai chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với trang trại gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, còn thiếu các chính sách hỗ trợ trang trại xây dựng mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; chính sách hỗ trợ trang trại chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất chất lượng an toàn, hữu cơ và hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm của trang trại.

Cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.

Các trang trại hiện nay đang phát triển theo hướng tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất tập trung, quy mô lớn, bình quân diện tích đất là 3,52 ha/trang trại, về  giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh năm 2022 là 2.430,4 triệu đồng/trang trại.

Có thể bạn quan tâm