Công ty SJC đã trúng thầu 4.000 lượng vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước

Tại các phiên đấu thầu vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên...

Công ty SJC đã trúng thầu 4.000 lượng vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước vừa ra thông cáo báo chí về một số nội dung liên quan đến quản lý thị trường vàng thời gian qua.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, từ ngày 19/4/2024 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 6 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường.

Để tổ chức đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và quy định pháp luật liên quan. Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. Ngân hàng Nhà nước thông báo giá sàn bán vàng miếng, các thành viên tham gia đấu thầu căn cứ các nội dung trong thông báo đấu thầu bán vàng miếng để tiến hành đặt thầu theo giá.

Trong 6 Phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, có 3 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 14.900 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu. Phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4/2024, đã có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC.

Tại phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 8/5/2024 đã có 3 thành viên trúng thầu với khối lượng 3.400 lượng vàng miếng SJC. Tại phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 14/5/2024 đã có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng 8.100 lượng.

"Mặc dù sau nhiều năm chưa tổ chức đấu thầu, nhưng nhờ việc chuẩn bị kỹ lưỡng, phiên đấu thầu bán vàng miếng vừa qua đã diễn ra đúng trình tự, quy định, thông suốt và an toàn", Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Nói thêm về các phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để phù hợp với tình hình thị trường, cơ quan này đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu. Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường.

Điển hình nhất, trong phiên đấu thầu ngày 14/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu thành công với khối lượng trúng thầu cao nhất cũng như số lượng thành viên trúng thầu nhiều nhất trong các phiên đấu thầu vừa qua. Cụ thể, đã có 8 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 8.100 lượng, trong đó có 3 Công ty là Công ty SJC, Công ty Doji, Công ty PNJ trúng thầu cùng với 5 ngân hàng thương mại.

Để có thông tin về nhu cầu thực tế mua vàng của người dân, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình thị trường vàng tại địa phương, tại các địa điểm mua, bán vàng và thực hiện báo cáo nếu có tình trạng xếp hàng mua vàng.

Theo báo cáo, vào cuối tuần qua, có hiện tượng người dân tập trung đông người một số thời điểm tại Trụ sở chính của Công ty SJC, không có hiện tượng tập trung đông người tại các địa phương khác và tổ chức khác. Ngoài ra, chỉ có một số địa điểm trên phố Trần Nhân Tông, thành phố Hà Nội do địa bàn chật hẹp nên có mật độ đông người hơn.

Do Công ty SJC là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn, thuộc quản lý của UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND TP.HCM để bàn về giải pháp bình ổn thị trường vàng có sự tham dự của một số ban ngành có liên quan (Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông…) và Công ty SJC. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công ty SJC thực hiện ngay nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng.

"Thực tế tại các phiên đấu thầu vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Như vậy, với 2 phiên đấu thầu thành công như đã nêu bên trên, Công ty SJC đã trúng tổng cộng 4.000 lượng vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước.

Trái lại, việc các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước lý giải là do lo ngại rủi ro biến động giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC. Khi mua được vàng miếng từ Ngân hàng Nhà nước, công ty đã thực hiện bán ngay ra thị trường.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng, dự kiến phiên tiếp theo được tổ chức vào ngày 16/5/2024 để tăng cung vàng miếng ra thị trường.

Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.

Xem thêm

Thuần hoá chú ngựa mang tên giá vàng

Thuần hoá chú ngựa mang tên giá vàng

Kể từ năm 2021 tới nay, khác hẳn với sự thuần phục của những năm trước đó, “chú ngựa” chênh lệch giá vàng bỗng chốc khó kiểm soát...

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...