Ngân hàng Nhà nước lại sửa "luật chơi", hơn 8.000 lượng vàng miếng lập tức được hấp thụ

Phiên đấu thầu lần thứ 6 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 14/5 ghi nhận sự chuyển biến tích cực về số lượng thành viên tham gia cũng như lượng vàng cung ứng ra thị trường…

Ngân hàng Nhà nước lại sửa "luật chơi", hơn 8.000 lượng vàng miếng lập tức được hấp thụ

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC diễn ra vào sáng nay 14/5 với 8 thành viên đã trúng thầu cùng khối lượng trúng thầu là 81 lô, tương đương 8.100 lượng vàng miếng SJC. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 87,72 triệu đồng/lượng.

Như vậy đây là phiên đấu thầu có đông thành viên tham gia bỏ thầu nhất và có số lượng vàng trúng thầu cũng lớn nhất từ trước đến nay. Thông qua 3 lần đấu thầu thành công, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng.

Cũng như những phiên đấu thầu trước đó, thành viên tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc 10% giá trị khối lượng đăng ký (theo giá tham chiếu). Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).

Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những phiên đấu thầu trước là khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 5 lô (tương đương 500 lượng), thấp hơn 2 lô (200 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước.

Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (tương đương 4.000 lượng), nhiều hơn 20 lô (2.000 lượng) so với quy định tại các phiên đấu thầu trước đó.

Có thể thấy, sau mỗi lần Ngân hàng Nhà nước thay đổi “luật chơi” thì số lượng thành viên trúng thầu và số lượng vàng trúng thầu cũng tăng theo. Điều này hoàn toàn phù hợp khi trước đó rất nhiều chuyên gia và nhà đầu tư “ca cẩm” khối lượng đặt thầu tối thiểu là quá lớn.

Trước đó, trong 4 phiên đấu thầu vàng đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Sau đó, tại phiên đấu thầu ngày 8/5, khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương (700 lượng).

Kết quả là, sau 5 phiên đấu thầu vàng, chỉ có 2 phiên đấu thầu được diễn ra thành công. Hai phiên diễn ra đều đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng trên mỗi phiên. Các phiên khác rơi vào tình trạng không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu, có phiên chỉ có duy nhất một thành viên nộp phiếu dự thầu.

Tại phiên họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức vào sáng ngày 13/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời điểm năm 2022, do bất cập của thị trường vàng, nên Chính phủ ban hành Nghị định 24 với mục tiêu công nhận quyền sở hữu hợp pháp người dân, sắp xếp lại thị trường vàng miếng, nghiêm cấm dùng vàng làm cơ sở thanh toán. Sau giải pháp này thị trường diễn biến ổn định.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng Covid-19, lạm phát tăng cao nên giá vàng quốc tế tăng mạnh khiến trong nước tăng theo. Từ năm 2022 trở lại đây, thị trường trong nước bộc lộ hạn chế, chênh lệch giá trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao.

Lý giải nguyên nhân, theo Phó Thống đốc, chủ yếu do giá thế giới tăng khi kim loại quý trong nước phụ thuộc thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng 14%. Cùng đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế, nên chênh lệch giá trong nước cao so với quốc tế.

Về giải pháp, theo Phó Thống đốc, trước mắt do thị trường thiếu nguồn cung, nên cơ quan này sẽ tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung cho thị trường. Việc này nhằm ổn định giá, giảm chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới.

"Dự kiến ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng. Tuần này sẽ có 2 phiên đấu thầu, tăng một phiên so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường," Phó Thống đốc cho hay.

Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất thêm giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó sẽ sửa Nghị định 24. Đồng thời, tiếp tục thanh tra doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh, mua bán vàng miếng; chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về hoá đơn thanh toán, kiểm soát giao dịch mua bán. Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Công thương… kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, đẩy giá vàng lên cao.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, lãnh đạo Chính phủ sẽ có thêm cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề quản lý thị trường vàng để làm rõ nguyên nhân và giải pháp. Với hành vi không phù hợp phải xử lý nghiêm. Sau khi đánh giá tình hình sẽ giao cho thanh tra chuyên ngành phải thanh tra các đầu mối lớn, kể cả các biên giới, cửa khẩu vào, nếu vi phạm chuyển Bộ Công an xử lý ngay.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng hết sức đau đầu vấn đề này. Thời gian tới, các bộ, ngành tích cực, đồng lòng vào cuộc thì chắc không khó khăn gì chúng ta không xử lý được".

Xem thêm

Thuần hoá chú ngựa mang tên giá vàng

Thuần hoá chú ngựa mang tên giá vàng

Kể từ năm 2021 tới nay, khác hẳn với sự thuần phục của những năm trước đó, “chú ngựa” chênh lệch giá vàng bỗng chốc khó kiểm soát...

Có thể bạn quan tâm

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng nhà nước

Thêm bộ khung để kiểm soát rủi ro, phòng chống rửa tiền

Bộ quy tắc và thực hành thống nhất về danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam đảm bảo đáp ứng thực tiễn nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài...

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới điều hành, tiến tới bỏ cơ chế phân bổ room tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%...

Tỷ giá đã qua "cơn sóng gió"

Tỷ giá đã qua "cơn sóng gió"

Việc đồng USD suy yếu trong tháng 1 đã giúp giảm đáng kể áp lực lên tỷ giá, song thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới...

Cập nhật lãi suất huy động ngân hàng LPBank tháng 2/2025

Cập nhật lãi suất huy động ngân hàng LPBank tháng 2/2025

Qua so sánh với tháng trước, biểu lãi suất huy động của ngân hàng LPBank tháng 2/2025 không có sự điều chỉnh mới. Theo đó, các khoản tiền gửi tại quầy với kỳ hạn 1 tháng đến 60 tháng được áp dụng mức lãi suất là 3,1 – 5,5%/năm…