Vượt qua những đối thủ mạnh ở châu Á, đã từng giữ vị trí đầu ở những năm trước như Tokyo (Nhật Bản), Singapore (Singapore).. thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã trở thành thành phố an toàn nhất thế giới năm 2021. Thành phố này đã đạt 82,4 điểm trên thang điểm 100. Vươn từ vị trí thứ 9 năm 2019 lên vị trí đứng đầu ở năm 2021.
An toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch khi ghé thăm một đất nước mới. Sau 2 năm thế giới đương đầu với dịch bệnh, các tiêu chí an toàn khi đi du lịch đã có sự thay đổi. Các chỉ số an toàn của một thành phố bao gồm an ninh kỹ thuật số, an ninh y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh cá nhân và môi trường.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Copenhagen trở thành thành phố an toàn là tỷ lệ tội phạm thấp và đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Bên cạnh đó, thành phố có sự gắn kết xã hội lớn, khoảng cách giàu nghèo tương đối nhỏ.
Ở thành phố này, công nhân vệ sinh và CEO có thể mua sắm chung ở một siêu thị, con cái của họ học chung trường, có thể thoải mái giao tiếp, hòa đồng với nhau và không có sự phân biệt giàu nghèo.
Ngày nay, khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu được ưu tiên, quan tâm trên toàn thế giới thì Copenhagen cũng chính là một trong những thành phố có môi trường xanh – sạch – đẹp nhất. Tại đây, người ta ưa chuộng việc sử dụng xe đạp, hoặc đi bộ cho việc di chuyển hàng ngày thay vì đi xe hơi hay các phương tiện công cộng, xả khói bụi ra môi trường khác.
Bạn sẽ bị choáng ngớp bởi những dòng xe đạp tấp nập qua lại trên đường phố ở Copenhagen. Trên mọi ngóc ngách, ở trạm metro, ngoài rạp hát, quảng trường hay mỗi góc phố… đều có vô số chiếc xe đạp được dựng ở đó. Hiện tại, thành phố có tới 675.000 xe đạp, gấp hơn 5 lần số lượng ô tô. Đây là một trong những thành phố có số lượng xe đạp được người dân sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
Một trong những lý do chính cho sự phổ biến của xe đạp tại Đan Mạch là mạng lưới đường xá, bao gồm các cây cầu tạo thành những đường “cao tốc” dành riêng cho xe đạp, hay những biển báo, làn đường ưu tiên cho loại phương tiện này trên khắp thành phố.
Đầu tư của Copenhagen vào cơ sở hạ tầng ấn tượng cho hoạt động đạp xe đã đem lại thành công trong nhiều khía cạnh. Bên cạnh lợi ích về sức khỏe, ngày càng nhiều người sử dụng xe đạp cũng đem lại những lợi ích kinh tế to lớn. Đạp xe là một hình thức tập thể dục nhẹ nhàng tuyệt vời giúp cơ bắp rắn chắc, tăng mật độ xương và sức khỏe tim mạch.
Chính vì những sự đãi ngộ tuyệt vời của Copenhagen dành cho xe đạp, thành phố này được Hiệp hội Xe đạp quốc tế (UCI) lựa chọn là “thành phố xe đạp” đầu tiên trên thế giới trong giai đoạn từ 2008-2011. Có lẽ đó là lý do vì sao các tuyến đường dành cho xe đạp ở Melbourne (Úc) được gọi là “đường Copenhagen”.
Trong tất cả các tiêu chí được chọn để đánh giá các chỉ số an toàn của một thành phố, tiêu chí về y tế của Copenhagen có số điểm thấp hơn cả do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Những thành phố ít quan tâm đến vấn đề an ninh y tế đã gặp khủng hoảng khi ứng phó với đại dịch. Ông Michele Acuto, giáo sư về chính trị đô thị toàn cầu tại Đại học Melbourne (tiểu bang Victoria, Australia) nhận định: “Covid-19 đã cho chúng ta thấy luôn tồn tại một điểm mù ngay cả khi thế giới có vẻ đang vận hành trơn tru”. Ông cũng nhấn mạnh các thành phố cần xem lại kỹ lưỡng vấn đề an ninh y tế để có thể phục hồi sau đại dịch và phát triển trong tương lai.