Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết chính thức tại Chile, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đã có cuộc trò chuyện với báo chí.
Nhiều ngành hàng được hưởng lợi
Phần lớn các nước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) là soi vào cơ hội mở cửa thị trường, sau khi tham gia đạt được như thế nào, theo ông Lương Hoàng Thái. Điều này tất nhiên đúng với mong đợi của Việt Nam.
"CPTPP được kế thừa TPP nên nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên, tức là tiêu chuẩn mở cửa thị trường rất cao", ông Thái nói.
Ví dụ đối với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn thông thường là khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Về cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng.
Vụ trưởng Vụ chính sách đa biên cho biết thuế trung bình Việt Nam gặp khi xuất khẩu sang các nước CPTPP khoảng 1,7%, do đó, khi biểu thuế về 0%, hoạt động xuất khẩu sẽ bị tác động trực tiếp.
Ông nhấn mạnh cho dù Hiệp định không còn Mỹ nhưng với thị trường 500 triệu dân của các nước tham gia CPTPP thì lợi ích đối với Việt Nam là rõ rệt.
Ngoài dệt may, da giày,… được nhiều lần nhắc đến, ông Thái còn đề cập đến mua sắm đầu tư công của các nước.
Bên cạnh tác động rõ rệt của thương mại, Vụ trưởng Vụ đa biên còn khẳng định Việt Nam được hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP.
"Việc tham gia còn khẳng định chủ trương của ta về cải cách để hội nhập, qua đó ta có định vị về cách thức cải cách trong tương lai theo hướng dễ tiên liệu và phù hợp tiêu chuẩn đã được các nước thành công trong quá khứ áp dụng, giúp tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh… Đây là lợi ích gián tiếp", ông nói.
Lợi ích gián tiếp, như nhận định của ông còn cao hơn lợi ích trực tiếp mở cửa thị trường. Dẫn ra nghiên cứu của World Bank, ông Thái nói rằng nếu CPTPP trực tiếp giúp Việt Nam tăng trưởng 1% GDP thì lợi ích gián tiếp có thể tăng 3,6%.
"Đấy còn chưa nói đến lợi ích từ phi thuế quan", ông nói và cho biết dù chưa có công cụ chỉ ra lợi ích từ việc phi thuế quan mang lại khi tham gia hiệp định, nhưng trên thực tế cho thấy khi các nước có FTA với nhau tức chấp nhận luật chơi chung, có chất lượng quản lý, thương mại, nội dung quan tâm phát triển thì có sự tin tưởng nhau hơn nên nhiều trường hợp rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều.
Không nên chỉ nhìn vào cơ hội
Nhưng thương mại tự do là hai chiều, theo ông. Bên cạnh những lợi ích, Việt Nam cũng đối đầu với cạnh tranh cao hơn. "Đơn cử như ngành chăn nuôi với sản phẩm thịt lợn, thịt gà", ông Thái cho biết.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh CPTPP bổ sung, tương hỗ cho nhau nhiều hơn tính cạnh tranh. Tức là dù tạo ra cạnh tranh nhưng không nhiều như một số hiệp định thương mại tự do như trước đây.
"Đây là cơ sở chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới cho Việt Nam khi tham gia hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Mỗi vấn đề luôn có 2 mặt cơ hội và thách thức, trong nhiều trường hợp thách thức là rất lớn nhưng nếu chúng ta vượt qua được sẽ lại là cơ hội lớn hơn nhiều lần", Vụ trưởng Thái nói.
Đối với các doanh nghiệp, ông Thái cho biết cá nhân ông không có lời khuyên cụ thể nào cả, bởi mỗi lĩnh vực có một bài toán riêng mà chỉ doanh nghiệp mới có thể hiểu được. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chúng ta không nên chỉ tập trung vào cơ hội, phải nhìn nhận thách thức một cách khách quan nhất, nhằm vượt qua.
Nhớ lại khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, ông kể từng có cơ quan báo chí tổ chức tuần hành chào mừng và muốn mời Bộ trưởng Thương mại khi đó là ông Trương Đình Tuyển tham gia. Tuy nhiên, ông Tuyển đã từ chối và cho biết ông không tham dự để nhắc nhở mọi người không nên nhấn mạnh vào khía cạnh chào đón sự kiện đó, quan trọng là hướng đến tổ chức như thế nào.
Đấy là bài học mà những người như ông Thái về sau này vẫn ghi nhớ. Theo đó, ông nhấn mạnh Bộ Công thương và các cơ quan liên quan luôn trong trạng thái sẵn sàng để có thể đón nhận CPTPP tốt nhất, từ đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội nhập sâu rộng cùng thế giới.