CPTPP tiếp lửa tự do thương mại

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP tiếp lửa tự do thương mại

Việc ký kết một hiệp ước thương mại mới diễn ra tuần qua tại Chile giữa 11 quốc gia thuộc Vành đai Thái Bình Dương đánh dấu thành quả của 10 năm đàm phán và sẽ được đón mừng bởi các cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp thuộc các nước thành viên cũng như tại các nước khác.

Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một thỏa thuận lớn với nhiều tham vọng, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho các nước thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này có tiềm năng được mở rộng với nhiều thành viên mới khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc đang bày tỏ mối quan tâm trong việc tham gia vào hiệp định.

Đối với Việt Nam, thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ làm tăng sản lượng xuất khẩu lên 4% và nhập khẩu 3,8%. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực giày da, dệt may và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động dường như sẽ nắm bắt tốt các cơ hội thương mại đến từ hiệp định này.

Ước tính gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập 157 tỉ USD mỗi năm.

Các con số này có thể còn lớn hơn. Việc gia nhập thêm của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan có thể sẽ mang đến 486 tỉ USD tổng thu nhập cho các nền kinh tế thành viên. Những lợi ích này là to lớn hơn so với những lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bao gồm Mỹ, có thể mang lại.

Có lẽ lợi ích to lớn nhất chính là việc xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước và đối với các loại thuế không thể dỡ bỏ thì mức giảm sẽ rất đáng kể. Lấy ví dụ, thuế suất của xuất khẩu bò New Zealand vào Nhật sẽ giảm từ 38,5% hiện tại xuống còn 9% khi hiệp định này được áp dụng. Ngoài việc tăng các tiêu chuẩn lao động và tiêu chuẩn liên quan môi trường, CPTPP còn mang lại các quy trình hải quan minh bạch và hiệu quả, giúp việc xuất khẩu và nhập khẩu giữa các thị trường thành viên diễn ra dễ dàng hơn. Cuối cùng, Hiệp định có những chương cụ thể với các quy định liên quan trao đổi dữ liệu cũng như giúp cho việc trao đổi dịch vụ diễn ra dễ dàng.

Nhìn chung, những cải thiện này đồng nghĩa với khoảng 500 triệu người tại 11 quốc gia có thể tiếp cận với nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ đa dạng với giá rẻ hơn. Cùng với hơn 10.000 tỉ USD sản lượng kinh tế - chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, các quốc gia này mang đến nhiều triển vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Mỹ không còn nữa nhưng thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn khác như Nhật, Úc, Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Dù là doanh nghiệp đã có hoạt động giao thương trong khu vực hay các công ty đang tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới, nhiều tổ chức đã nhận thấy những lợi ích tiềm năng CPTPP có thể mang đến cho họ. Các số liệu từ một khảo sát doanh nghiệp trên toàn cầu được thực hiện dưới sự ủy quyền của HBSC cho thấy khoảng gần một nửa (46%) các doanh nghiệp tại 6 quốc gia thuộc CPTPP được khảo sát kỳ vọng Hiệp định sẽ có ảnh hưởng tích cực lên việc kinh doanh của họ. Tại Việt Nam, con số này ấn tượng hơn với 63% doanh nghiệp chia sẻ quan điểm tích cực này.

Việt Nam sẽ có những lợi thế, nhất là CPTPP sẽ đưa đến áp lực tăng tốc độ cải cách thể chế ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tự thân và chủ động của các doanh nghiệp. Để tận dụng tối đa các cơ hội do Hiệp định mang lại, các doanh nghiệp cần bắt đầu phát triển chiến lược nhằm thu được lợi ích tiềm năng của Hiệp định trước khi hiệp định này được áp dụng vào khoảng cuối năm nay, đầu năm sau.

Trước tiên, doanh nghiệp có thể xem xét lại các mối quan hệ thương mại hiện tại để xác định những vấn đề cần thay đổi cũng như hiểu được cơ hội lớn nhất nằm ở đâu, từ đó xây dựng các mối quan hệ mới và thâm nhập vào các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh.

Sau đó, doanh nghiệp cần nhìn lại các chuỗi cung ứng hiện tại của mình - trong khu vực hay trên toàn cầu - định vị lại dựa trên các mối liên kết trong khối CPTPP. Doanh nghiệp nào nỗ lực ngay từ bây giờ để hiểu về sự ảnh hưởng của Hiệp định lên mô hình kinh doanh của họ sẽ thu được lợi ích cao nhất trong tương lai. Điều này không chỉ quan trọng đối với công ty hoạt động tại các quốc gia thành viên mà còn đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong khu vực.

Cuối cùng, sự am hiểu tường tận về CPTPP và tác động của Hiệp định lên thuế suất của mỗi nhóm sản phẩm và dịch vụ là vấn đề then chốt để doanh nghiệp đánh giá lại các chiến lược về giá của mình cũng như duy trì được lợi thế cạnh tranh.

Thỏa thuận CPTPP còn có ý nghĩa đáng chú ý về mặt ngoại giao. Hiệp định này mở ra một thời kỳ mới với các tiêu chuẩn cao hơn cùng nhiều lợi ích kinh tế, bao phủ các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển, trải rộng qua 4 khu vực. Đây là một bước tiến lớn cho sự hợp tác quốc tế và đa phương và có thể được dùng như một ví dụ điển hình cho các hiệp định khác trong tương lai.

Do vậy, trong khi con đường dẫn đến việc phê chuẩn Hiệp định có thể còn nhiều chông gai, việc ký kết CPTPP cho chúng ta thấy rằng tự do thương mại vẫn còn đó, là điều mà tất cả chúng ta, những ai tin rằng thương mại có sức mạnh mang đến những điều tốt đẹp, nên chúc mừng.

(*) Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

nhipcaudautu.vn/thi-truong/cptpp-tiep-lua-tu-do-th http://nhipcaudautu.vn/thi-truong/cptpp-tiep-lua-tu-do-thuong-mai-3322985/

Có thể bạn quan tâm