Trước tố cáo của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), rằng Uber và Grab đã và đang tuỳ tiện sử dụng mọi chiêu thức “siêu giảm giá”, “siêu rẻ”, “trợ giá” cho tái xe, chủ xe, người giới thiệu, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh đang nhằm mục đích chủ yếu là chiếm lĩnh, xâm chiếm thị trường, đánh sập các doanh nghiệp taxi trong nước, bà Nguyễn Thu An -- Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam khẳng định: "Việc giá cước thấp, giảm giá thành di chuyển nhờ việc tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh là một trong những mục tiêu cơ bản của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)".
Đại diện Grab Việt Nam, bà Thu An cũng cho rằng Grab Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Và hiện đơn vị này cũng đã gửi văn bản phản hồi tới Bộ Công thương để cung cấp các thông tin như được yêu cầu.
Đối với thị trường taxi truyền thống, đại diện Grab Việt Nam cũng cho rằng sự xuất hiện của ứng dụng công nghệ tuy có tác động lớn đến thị trường nhưng không làm thay đổi bản chất của từng loại hình vận tải. Taxi truyền thống vẫn có những lợi thế riêng cũng như nắm giữ những phân khúc khách hàng riêng. Nếu có thể phát huy được hết những lợi thế này, taxi truyền thống hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa và duy trì vị trí không thể thay thế trên thị trường.
Về hoạt động của GrabShare, "đây là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Chúng tôi vẫn đang làm việc tích cực với Bộ GTVT để hoàn thiện về mặt kỹ thuật, cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành. Đây là quá trình diễn ra tương tự trước đây khi Grab làm việc với các cơ quan chức năng để xây dựng Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Chúng tôi đã giải thích và tham vấn với rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan để thống nhất về phương thức giao kết hợp đồng vận tải điện tử cho phù hợp với các quy định", bà An nói thêm.
Vinasun "tố" Grab và Uber có phương thức kinh doanh thủ đoạn, trái luật
Được biết, trước đó, trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng vào giữa tháng 5 vừa qua, Công ty Vinasun báo cáo, chỉ riêng trong quý I/2017, đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, mà nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab. Cùng với đó, 10.084 tài xế ký tên xin công đoàn cho phép tuần hành phản đối.
Theo Vinasun, từ năm 2015 đến nay, số lượng ôtô dưới 9 chỗ chạy hợp đồng tăng đột biến. Hiện khoảng 21.155 xe đang hoạt động, cộng thêm 1.835 xe từ các tỉnh, thành phố khác cũng đổ về hoạt động cho Uber và Grab.
Núp bóng danh nghĩa hợp đồng điện tử (hợp đồng điện tử thực chất chỉ là phương thức tính tiền và thanh toán thay đồng hồ tính tiền), Uber và Grab đã né tránh các nghĩa vụ về thuế và phí. Hai doanh nghiệp này hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào trong khi hoạt động taxi phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị,… và chịu sự quản lý chặt chẽ của rất nhiều cơ quan ban ngành.
“Với phương thức kinh doanh thủ đoạn, trái luật của Công ty TNHH Uber Việt Nam và Công ty TNHH Grabtaxi, cộng với việc phát triển quy mô không ngừng của họ (chỉ tính riêng một doanh nghiệp như Uber hoặc Grabtaxi đã có số lượng xe bằng hoặc lớn hơn số lượng xe của tất cả các doanh nghiệp taxi tại TP.HCM cộng lại)”, ông Trương Đình Quý – Phó TGĐ Vinasun khẳng định.
Uber và Grab đã và đang tuỳ tiện sử dụng mọi chiêu thức “siêu giảm giá”, “siêu rẻ”, “trợ giá” cho tái xe, chủ xe, người giới thiệu, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh đang nhằm mục đích chủ yếu là chiếm lĩnh, xâm chiếm thị trường, đánh sập các doanh nghiệp taxi trong nước.
Đồng thời các doanh nghiệp này liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi tuỳ tiện, trái luật, không đăng ký, không được bất kỳ sự cho phép nào của cơ quan quản lý.
Về vấn đề này, Bộ GTVT đã gửi công văn hoả tốc báo cáo Văn phòng Chính phủ kết quả xử lý kiến nghị của Vinasun.
Trong công văn này, Bộ GTVT cho rằng hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam bản chất không phải taxi mà là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng. Để làm rõ điều này, Bộ GTVT đã dẫn quy định tại Điều 66 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm 5 loại hình: (1) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định; (2) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định; (3) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách hàng, cước tính theo đồng hồ tính tiền; (4) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải; (5) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch.
"Trong trường hợp các đơn vị vận tải hoạt động theo đúng các loại hình nêu trên và chấp hành đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT mà có sử dụng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hiệu quả của doanh nghiệp thì Bộ GTVT luôn đồng tình ủng hộ", văn bản hoả tốc do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ký nêu rõ.
Theo đó, bản chất ở đây là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (được các Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định) ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy chứ không phải loại hình taxi.
Theo Viettiems.vn
>> Đề xuất hàng loạt quy định mới để quản lý dịch vụ Uber, Grab