Đặt phòng khách sạn du xuân, nhiều người book trúng phòng “ma”, tiền mất tật mang

Nhu cầu du lịch trong và sau Tết Nguyên đán liên tục tăng cao, lợi dụng điều này, nhiều đối tượng lừa đảo đã tận dụng cơ hội, giở các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân…

Cảnh báo lừa đảo đặt phòng khách sạn du xuân

Ngay thời điểm đầu năm mới, nhiều khách hàng phản ánh về việc bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn xuất phát từ nhu cầu đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên mạng xã hội và thậm chí là qua các app dịch vụ trên điện thoại.

KHÁCH HÀNG ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN NHƯ “XÉ TÚI MÙ”

Mới đây, mạng xã hội xôn xao sự việc từ tài khoản cá nhân Nguyen Tien Phuc chia sẻ chuyện khách mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng khách sạn trên fanpage có tích xanh, mang tên Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình. Theo nội dung tin nhắn (chụp màn hình) trong bài chia sẻ, khách hàng phải đặt cọc trước số tiền hơn 6 triệu đồng để giữ phòng. Sau đó, bằng nhiều chiêu trò lừa đảo nhằm “thao túng tâm lý”, các đối tượng đã lừa nạn nhân chuyển số tiền lớn lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu trò rất bài bản để khách hàng "sập bẫy" : Đầu tiên là sử dụng những Fanpage giả mạo tên của khách sạn, có số lượng người theo dõi rất lớn nhằm tạo sự tin tưởng, thậm chí còn làm cả xác thực của Facebook (có tick xanh) và chạy cả quảng cáo để tiếp cận khách hàng.

Khi có nhu cầu, khách hàng liên hệ qua các Fanpage giả này để đặt phòng, sẽ được tư vấn rất chuyên nghiệp, như một tư vấn viên thực thụ, báo giá thấp hơn một chút so với giá thị trường, nhưng điểm chính là sẽ kèm theo khá nhiều các ưu đãi, khuyến mại để đánh vào tâm lý khách hàng thấy được hưởng nhiều quyền lợi. Sau đó, nhân viên fanpage giả gửi Phiếu đặt phòng một cách chuyên nghiệp gồm dấu công ty, số tài khoản nhận tiền là tên công ty…

Sau khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ thêu dệt lên vô vàn lý do để khẳng định nội dung chuyển tiền của khách chưa chính xác hoặc báo đã hết phòng và nói với khách là sẽ có kế toán liên hệ để làm thủ tục hoàn lại tiền cho khách. Đây sẽ là bước mấu chốt và là mục đích chính của vụ lừa đảo.

Khách hàng bị lừa cả tỷ đồng khi đặt phòng khách sạn qua mạng

Tiếp đó khâu được cho là "kế toán" của fanpage giả sẽ liên hệ và gửi link hướng dẫn hoàn lại tiền, khách hàng làm theo các hướng dẫn (nhập số tài khoản, mã OTP...) và sẽ tiếp tục bị lừa thực hiện các lệnh chuyển tiền đi. Đánh vào tâm lý khách hàng "đâm lao phải theo lao để lấy tiền lại", các đối tượng sẽ liên tiếp yêu cầu khách hàng chuyển tiền với số tiền ngày càng tăng thêm, đến khi tài khoản của khách hàng không còn tiền thì thôi. Thậm chí nếu tài khoản của khách có ít tiền thì fanpage giả còn hướng dẫn chuyển thêm tiền vào để có thể làm được thủ tục hoàn tiền.

Cuối cùng dẫn đến hậu quả, khách hàng sẽ bị mất hết sạch tiền trong tài khoản, có thể là vài chục triệu, vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng, chứ không chỉ đơn thuần là bị lừa mất số tiền đặt cọc tiền phòng ban đầu.

Bên cạnh đó, còn có trường hợp khách hàng đặt phòng thành công qua các app trên điện thoại, nhưng khi đến nhận phòng lại được nhân viên thông báo giao dịch chưa được thực hiện. Mới đây, chị P.T.T.D. (Hà Nội) chia sẻ trên trang Facebook cá nhân "trải nghiệm" về đặt phòng khách sạn ngày mùng 3 Tết Nguyên đán 2025, nhưng đến nơi chị cùng hai đứa trẻ lại xách vali lang thang Vũng Tàu.

Chị kể đặt phòng và trả tiền thẻ tín dụng qua app Booking.com cho ngày 31/1. Nhưng khi tới một villa ở Vũng Tàu, nơi đây trả lời không nhận khách của Booking.com. "Villa không nhận thẻ tín dụng và đến nơi mới thu tiền, trong khi mô tả trên Booking.com là có. Tiền là một chuyện nhưng bực vì chuyến du lịch đầu năm vất vả mệt mỏi", chị P.T.T.D. chia sẻ trên mạng xã hội và rút ra bài học về việc đặt phòng qua ứng dụng.

CẨN TRỌNG TRƯỚC NHỮNG TRÒ LỪA

Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Bùi Thị Điệp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, có nhiều chế tài để xử lý những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Tùy vào dấu hiệu, mức độ của hành vi, số tiền lừa đảo, chiếm đoạt và phương thức sử dụng để lừa đảo mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Theo đó, với hành vi lừa đảo số tiền lớn trên 1 tỷ đồng, đối tượng có thể bị phạt tù 12 đến 20 năm tù hoặc chung thân.

Luật sư Bùi Thị Điệp

Luật sư Điệp cũng đưa ra lời khuyên, người dân cần nâng cao hiểu biết, kiến thức về các chiêu trò, hành vi lừa đảo tránh bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội bởi vì các chiêu trò lừa đảo mà các đối tượng sử dụng ngày càng đa dạng và tinh vi hơn, nhiều fanpage giả mạo còn có lượt follow hơn cả fanpage chính chủ.

Đặc biệt, người dân cần lưu ý: Thường xuyên đọc, nghe tin tức cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang báo chính thống, các nguồn tin tức đáng tin cậy; tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng, nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín; đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.

Khi quyết định đặt phòng, nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc, trước khi chuyển tiền cũng cần kiểm tra tên, số tài khoản bên nhận tiền có từng được cảnh báo lừa đảo hay không; cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường.

Không vội vàng chuyển tiền cho người không quen biết khi chưa kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến việc đặt tour, đặt phòng, đặc biệt khi bạn đặt tour, đặt phòng qua một cá nhân hoặc khách sạn mới mà bạn chưa từng làm việc với họ; không nên chuyển tiền đặt cọc khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Ngoài ra, khi giao dịch số tiền lớn, nên gặp trực tiếp và chụp lại giấy tờ pháp lý cá nhân như Căn cước công dân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành đối với tổ chức vì hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, homestay…) và kinh doanh dịch vụ lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và có thể kiểm tra mã số thuế xem công ty đó có còn hoạt động hay không.

Không để các đối tượng thao túng tâm lý bằng cách thúc ép, giục giã bạn đặt cọc tiền sớm với lý do nhanh hết phòng, hết vé. Trước khi chuyển tiền cho bất kỳ ai, gọi điện thoại thông thường đến số điện thoại của người yêu cầu chuyển tiền để xác thực lại thông tin, không liên lạc trao đổi qua tài khoản mạng xã hội.

Cũng liên quan đến vấn đề này, để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng, nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín; đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.

Người dân nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc; cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường.

Có thể bạn quan tâm