Lừa đảo nở rộ mùa cận Tết, người dân cẩn trọng kẻo “tiền mất tật mang”

Càng gần Tết Nguyên đán, các chiêu trò lừa đảo càng nở rộ, lợi dụng nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi chiêu thức tinh vi…

Người dân cần cảnh giác trước các trò lừa đảo "nở rộ" dịp Tết Nguyên đán
Người dân cần cảnh giác trước các trò lừa đảo "nở rộ" dịp Tết Nguyên đán

Các trò lừa đảo đều nhắm trực tiếp vào tài sản của người dân, mới đây Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa ra các khuyến cáo, nhấn mạnh người dân cần cảnh giác, tránh xa các giao dịch mập mờ, kiểm tra thông tin từ nguồn chính thống và tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để bảo vệ tài sản và dữ liệu cá nhân.

Chiêu trò lừa đổi tiền mới: Nắm bắt nhu cầu đổi tiền mới của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao, các đối tượng đã thường xuyên lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, tìm kiếm nạn nhân, đưa ra các lời mời mua bán, đổi tiền giả với giá cực kỳ hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tiền thật của người bị hại. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tiền giả", hàng loạt các tài khoản cá nhân và hội nhóm liên quan đến hoạt động liên quan đến "tiền giả" sẽ xuất hiện.

Các thông tin bình luận phía dưới phần lớn là người bán nhắn nhủ sẽ báo giá riêng tư vào tài khoản cá nhân của khách hàng. Được biết, người bán thường để lại thông tin mập mờ trên bài đăng và khuyến khích khách hàng nhắn tin trực tiếp để được báo giá. Ngoài ra, ngay khi người mua truy cập vào trang cá nhân của người bán, họ sẽ lập tức nhận được tin nhắn riêng giới thiệu về dịch vụ bán tiền giả.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên Đán sắp tới. Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức. Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy xác minh kỹ càng danh tính đối tác, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin liên quan. Không tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để trở thành sự thật. Sử dụng các kênh giao dịch chính thức và có giấy tờ hợp pháp. Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền trước.

Trò lừa tour du lịch siêu khuyến mãi dịp Tết Nguyên đán: Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, nhu cầu đi du lịch theo dạng tour trọn gói và tự túc các dịch vụ như vé máy bay, khách sạn… vì thế cũng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh loạt chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá dịp lễ, Tết được nhiều đơn vị kinh doanh du lịch tung ra để thu hút khách, thị trường cũng đồng thời xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt trên nền tảng trực tuyến.

Các đối tượng thường dùng chiêu trò tạo lập hàng loạt các hội nhóm, Fanpage trên các trang mạng xã hội như Facebook, đăng tải thông tin về các tour du lịch Tết với giá "siêu khuyến mãi", "siêu hời"... Những bài viết này thường kèm theo hình ảnh bắt mắt, lịch trình hấp dẫn và cam kết "uy tín – chất lượng". Để tạo lòng tin, các đối tượng sử dụng những bình luận giả mạo từ tài khoản ảo khen ngợi dịch vụ hoặc khoe đã tham gia và hài lòng. Kèm theo đó, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khi giả mạo danh nghĩa các công ty du lịch uy tín hoặc lập ra những công ty "ma" không có thật.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước các bài đăng quảng cáo từ những tài khoản không rõ danh tính về các tour du lịch giá siêu rẻ so với thị trường. Thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Không truy cập vào những đường dẫn lạ; không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ.

Lợi dụng đổi điểm thưởng, quà tặng qua ứng dụng dịp Tết: Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung đổi điểm, đổi quà. Cẩn trọng xác thực thông tin thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không tải về các ứng dụng lạ khi chưa xác minh được thông tin và danh tính của đối tượng.

Người dân được khuyến cáo chỉ nên tải về và sử dụng các ứng dụng đến từ hệ thống cửa hàng trực tuyến App Store (đối với hệ điều hành IOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Khi phát hiện thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Thủ đoạn lừa đảo dụ dỗ đóng lệ phí cầu đường tiếp tục tái diễn: Các đối tượng lừa đảo tạo lập tin nhắn giả mạo, chủ động gửi tới nạn nhân với yêu cầu thanh toán khoản lệ phí cầu đường còn thiếu, dụ dỗ thực hiện thanh toán bằng hình thức trực tuyến thông qua đường dẫn được đính kèm. Để thúc giục nạn nhân, các đối tượng nói rằng hiện đã quá hạn thanh toán, nếu nạn nhân không nhanh chóng thực hiện giao dịch, việc đi lại giữa các thành phố sẽ trở nên vô cùng bất tiện, thậm chí là bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Sau khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo, tại đây, nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin như số thẻ tín dụng, thời gian hết hạn, mã CVV... để tiến hành thanh toán một khoản phí nhỏ. Nhờ đó mà các đối tượng có thể dễ dàng chiếm đoạt thông tin ngân hàng của nạn nhân, thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn yêu cầu thanh toán lệ phí cầu đường. Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng hoặc chuyển tiền khi chưa xác minh được tính chính thống của trang web hoặc ứng dụng được cung cấp. Người dân chỉ nên thanh toán các khoản phí trực tuyến thông qua ứng dụng được tải về từ nguồn chính thống.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm