Đề nghị kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019.
Đề nghị kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính EVN

Lý do tăng giá điện không thuyết phục được dư luận

Tại Phiên thảo luận tổ sáng ngày 22/5 về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tăng giá điện vừa qua là “chưa hợp lòng dân” và báo cáo về những lý do của dẫn tới tăng giá điện không thuyết phục được dư luận.

Trước việc nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về việc tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải thích thêm về tăng giá điện và cách tính giá điện bậc thang mà Việt Nam đang áp dụng.

Theo Phó Thủ tướng, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng tốn kém. Cân đối năng lượng điện là một trong những cân đối lớn của kinh tế vĩ mô.

“Kiểm soát chi phí đầu vào của giá điện thì trong Quyết định 24 của Thủ tướng ký năm 2017, chúng tôi tham mưu và Thủ tướng quyết định thành phần kiểm tra giá điện hội đồng bao gồm: Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, mời đại diện cho cả giới chủ và người tiêu dùng thẩm tra giá điện, thông báo công khai” - Phó Thủ tướng thông tin.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết: “Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục thanh tra, nhất là khâu tính toán giá điện, biểu giá điện và công khai minh bạch".

" Tôi cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước tới đây kiểm toán lại toàn bộ báo cáo tài chính EVN và điều hành giá điện năm 2019. Tinh thần là rất cầu thị, chỗ nào sai thì sửa, xin lỗi; còn cái nào đúng thì ghi nhận. Kết quả sẽ công khai cho Quốc hội, người dân biết. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, muốn tăng 1% GDP thì sản lượng điện phải tăng 2%, nên với tăng trưởng kinh tế (GDP) hiện là 7% thì sản lượng điện tương ứng là 14%. Nhưng 3 năm qua, bình quân sản lượng điện chỉ tăng 10,21%. Dự báo năm 2019 tổng công suất điện tăng 11,23% thì mới đảm bảo yêu cầu sản xuất, đời sống và tăng trưởng. 

Trong khi đó năng lượng tái tạo đang được mua vào giá 9,35 cent một kWh, tương đương gần 2.100 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang bán cho người dân, chưa kể chi phí lớn để tích điện. 

"Nếu không có giá hợp lý thì không nhà đầu tư nào bỏ tiền ra đầu tư vào điện và rất khó để EVN tái tạo đầu tư”- Phó Thủ tướng Chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Giá điện tăng do chi phí đầu vào tăng?

Tại Phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành phân trần, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng.

Theo ông Thành, 20.000 tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành nói.

Đại diện của đơn vị điện lực cho hay, hiện EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%; còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chỉ có 23%.

Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã họp và báo cáo đầy đủ.

Tại tổ đại biểu tỉnh Nghệ An, đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại chỉ ra sự thiếu thuyết phục trong báo cáo giải trình về giá điện được Bộ Công thương gửi các đại biểu Quốc hội. Theo tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.

Bà Hà ví dụ, Bộ Công Thương lý giải tính luỹ tiến 6 bậc căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc nhưng ở các nước này họ lại có nhiều chính sách đi kèm. Ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và cạnh tranh. Bên cạnh đó, những hộ thu nhập thấp được giảm giá đáng kể để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Ở Hàn Quốc, Chính phủ còn giảm giá điện để giúp các hộ dân vượt qua thời điểm nắng nóng, bởi họ coi đó là thiên tai và cuộc sống người dân cần được bảo đảm. Nước này cũng giảm giá cho hộ thu nhập thấp, cho cơ sở phúc lợi, gia đình có con nhỏ...

Đại biểu Lê Thu Hà kết luận, chúng ta “copy” cách tính bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được. Do đó, đại biểu này đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...