Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của UBTVQH theo 02 Phương án.
Phương án 1: Quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá.
Theo Bộ Tài chính, phướng án 1 này có các ưu điểm như phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đồng thời khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ và đảm bảo sự công khai, minh bạch và dễ nhận được sự đồng thuận của người dân và chủ phương tiện.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đường cao tốc do Nhà nước đầu tư quy định thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) là không đúng bản chất; Bộ Giao thông vận tải và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Phương án 2: Quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Phương án 2 có ưu điểm đảm bảo nguyên tắc tại Luật Phí và lệ phí: Dịch vụ công do Nhà nước cung cấp thu phí. Tuy nhiên, phương án này lại có nhược điểm là không phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14, trong đó, giao Chính phủ (đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư). Thứ hai là không khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Lý do, cùng sử dụng dịch vụ đường cao tốc như nhau, chủ phương tiện trả mức phí sử dụng đường cao tốc sẽ thấp hơn mức phí dịch vụ.
Hiện, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 1 do phương án này có nhiều ưu điểm để đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ với thu phí dịch vụ hoàn vốn các dự án BOT.
Bộ Tài chính cũng cho biết, việc thu phí này có các tác động về mặt kinh tế - xã hội như sau:
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng 05 tuyến đường cao tốc hiện hành, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.