Đến lượt Unilever 'kêu cứu' lên Thủ tướng

Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị gỡ khó cho tình huống bị "dọa" truy thu thuế lên tới 575 tỷ đồng. Trước đó đã rất nhiều công ty 'kêu cứu' Thủ t
Đến lượt Unilever 'kêu cứu' lên Thủ tướng

Tại công văn này, Unilever cho biết vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan tới đầu tư mở rộng của Unilever đã được Chính phủ đề cập đến trong Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 6/10/2018.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp báo cáo phương án giải quyết thoả đáng vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014 theo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

Unilever cũng cho biết thực hiện Nghị quyết 124, công ty này đã chủ động giải trình Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Đồng thời kiến nghị cơ quan thuế chưa thực hiện hay ra bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp trong thời gian Chính phủ xử lý vụ việc.

Tuy nhiên, Unilever cho hay, ngày 11/12/2018, công ty tiếp tục nhận thêm Thông báo số 19118/TB-CT của Cục Thuế TP. HCM yêu cầu nộp ngay số thuế hơn 575 tỷ đồng và đến ngày 14/12/2018, công ty này tiếp tục nhận thêm công văn của Cục Thuế TP. HCM yêu cầu công ty cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để cưỡng chế thi hành.

“Điều này đặt chúng tôi vào tình thế vô cùng khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động và uy tín của Unilever tại Việt Nam… Trước tình hình trên, công ty chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị ngài Thủ tướng khẩn cấp chỉ đạo các Bộ ngành liên quan không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để thống nhất chờ kết luận của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 124”, Unilever nêu.

“Vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp mà Unilever đang gặp phải do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn trước năm 2014 là vấn đề chung nhiều công ty đang kiến nghị Thủ tướng giải quyết, nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và giới ngoại giao. Chúng tôi mong vấn đề này sớm được giải quyết thấu đáo, đảm bảo lợi ích của các bên”, Unilever cho cho biết thêm tại công văn.

Trước đó, ngày 7/12, trong công văn gửi Unilever, cho biết Kết luận Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Unilever do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013 là hơn 575 tỷ đồng. Do đó, Cục thuế TP. HCM yêu cầu Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam nộp ngay số thuế trên vào tài khoản của Cục thuế mở tại Kho bạc Nhà nước.

“Trường hợp công ty không chấp hành việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên thì Cục thuế TP. HCM sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế về thuế theo quy định của pháp luật”, văn bản của cơ quan thuế nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề cơ quan thuế truy thu thuế của Unilever, trao đổi với báo giới ngày 6/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

"Hiện với các doanh nghiệp thì sau khi kiểm tra hoặc thanh tra thuế, gần như doanh nghiệp nào cũng đưa ra các lý do để tránh phải nộp ngân sách. Unilever đã đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng nhưng không cung cấp được chứng cứ. Kiểm toán Nhà nước đã để họ 6 tháng để cung cấp tài liệu nhưng họ không cung cấp", ông Phớc nói.

Cũng theo ông Hồ Đức Phớc, cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc với Unilever Việt Nam nhưng công ty này không cung cấp được tài liệu chứng minh được miễn trừ nghĩa vụ thuế. Về số tiền phạt chậm nộp, ông Phớc cho rằng đây là vấn đề do cơ quan thuế căn cứ vào quy định để đưa ra mức phạt.

Trước đó, thảo luận tại hội trường Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập Unilever như một dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu.

Ông cho biết sau khi phát hành báo cáo kiểm toán với đánh giá Unilever Việt Nam khai thiếu thuế, doanh nghiệp này kiện lên Thủ tướng và Uỷ ban Tài chính, ngân sách. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại và xác định doanh nghiệp khai thiếu 575 tỷ đồng.

Ngay sau đó, trả lời báo chí, ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế TP. HCM phối hợp với công ty giải quyết vụ việc nhưng đơn vị này chưa đồng ý với số tiền truy thu trên.

Cũng theo ông Cường: “Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi”.

Ông Cường cũng cho hay khi kiểm toán ngân sách TP. HCM năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu Unilever hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng. Từ căn cứ này, Cục thuế TP. HCM đã yêu cầu Unilever nộp; Tổng cục Thuế cũng có công văn nhắc Unilever thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...