ĐHCĐ Maritime Bank: Không thông qua việc niêm yết cổ phiếu, cổ tức chia 5%

Do tập trung xử lý nợ xấu và ổn định hoạt động sau biến cố, năm 2017 Maritime Bank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 165 tỷ đồng. Các cổ đông cũng hối thúc ngân hàng sớm đăng kí giao dịch Up
ĐHCĐ Maritime Bank: Không thông qua việc niêm yết cổ phiếu, cổ tức chia 5%

Sáng 26/5, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017 tại Hà Nội, nhằm xem xét thông qua nhiều vấn đề hoạt động quan trọng. Theo đó, HĐQT sẽ trình cổ đông xem xét kế hoạch kinh doanh năm 2017, chia cổ tức, niêm yết cổ phiếu, báo cáo tài chính và kiểm soát…

Mục tiêu lợi nhuận 165 tỷ, cổ tức 5%

Báo cáo với cổ đông, Ban tổng giám đốc cho biết, năm 2016 là năm kém thuận lợi của MaritimeBank dù hoạt động kinh doanh vẫn có tăng trưởng, song một số chỉ tiêu kinh doanh bị ảnh hưởng bởi biến cố hồi tháng 6/2016.

Sự kiện này đã khiến ngân hàng lao đao, căng thẳng thanh khoản khi lượng tiền gửi từ dân cư sụt giảm rất mạnh. Nhờ nhiều nỗ lực “chống đỡ”, hỗ trợ thanh khoản, đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Maritime Bank chỉ bị sụt giảm 11% so với năm trước, đạt 92.606 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 35.118 tỷ đồng, tăng 26% và tiền gửi khách hàng bị giảm 9%, xuống 57,586 tỷ đồng.

Năm 2016 ngân hàng ghi nhận 1.907 tỷ đồng lợi nhuận kinh doanh, bằng 2,8 lần so với năm 2015 (chủ yếu thu từ hoạt động dịch vụ). Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro trong năm 2016 tăng quá cao lên 1.743 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần năm trước nên lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn… 140 tỷ đồng. Với số lãi ít ỏi nên HĐQT trình ĐHCĐ không chia trả cổ tức năm 2016.

Năm 2017, ngân hàng dự kiến nâng tổng tài sản lên 106.640 tỷ đồng, tương tăng 15%. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng khoảng 14%, huy động vốn từ thị trường 1 và trái phiếu tăng xấp xỉ 17%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 165 tỷ đồng. Sau 5 năm cắt cổ tức, đến năm 2017, ngân hàng dự kiến có thể chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% song vẫn phải chờ xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện.

Tại ĐHCĐ, cổ đông chất vấn ban điều hành vì sao lợi nhuận năm 2016 của Maritime Bank vẫn tăng trưởng và lợi nhuận chưa phân phối trên BCTC hiện còn hơn 1.058 tỷ đồng, nhưng HĐQT tiếp tục trình ĐHCĐ không chia cổ tức năm thứ 5 liên tiếp?

Ông Trần Xuân Quảng, Phó chủ tịch HĐQT Maritime Bank giải thích, ĐHCĐ thường niên năm trước đã thông qua kế hoạch không chia cổ tức của năm 2016. Năm nay, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện lợi nhuận tốt hơn để có thể chia cổ tức cho cổ đông nếu được NHNN chấp thuận cho phép chia cổ tức.

Thanh khoản cổ phiếu thấp

Trong khối ngân hàng TMCP có cùng quy mô, mức lợi nhuận của Maritime Bank hiện vẫn còn khá khiêm tốn và chưa có đột biến. Điều này cũng tác động tới giá cổ phiếu MSB và tính thanh khoản, khiến nhiều cổ đông buồn lòng.

Chia sẻ với tâm tư của cổ đông, ông Trần Xuân Quảng cho hay, giá cổ phiếu nói chung và MSB nói riêng thời gian qua đã chịu sự tác động của kinh tế khó khăn. “Năm nay, cổ phiếu MSB đã có khởi sắc hơn. Với sự đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc là bước chuẩn bị cho tăng trưởng của ngân hàng trong thời gian tới”, ông Quảng chia sẻ.

Một cổ đông chất vấn, năm 2016 ngân hàng thông báo mua 17 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ song cổ đông khó liên hệ, không bán được, đề nghị làm rõ và minh bạch việc này?

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT giải thích, “việc mua cổ phiếu quỹ của MSB đã được uỷ quyền cho CTCK MSI và tổ chức độc lập bên ngoài thực hiện. Chúng tôi chỉ nhận kết quả cuối cùng thôi, và đã thực hiện đúng quy định chào mua công khai. Tôi cũng có nhận được thông tin cổ đông phản ánh lên UBCNNN là đăng có mua nhưng không được MSI đưa vào danh sách mua cổ phiếu cuối cùng. Các quy định mua cổ phiếu quỹ được thực hiện qua MSI, có giới hạn số lượng và thời gian đăng kí mua, nếu cổ đông không đăng kí kịp thời hạn thì sẽ không được mua”.

Cổ đông đề nghị sớm tìm đối tác chiến lược và sớm niêm yết cổ phiếu?

Trước sự sốt ruột của nhiều cổ đông muốn cổ phiếu lên sàn sớm để thanh khoản, giao dịch bán cổ phiếu, ông Trần Xuân Quảng cho biết: “HĐQT đang nỗ lực hoàn thiện sớm thủ tục lên sàn và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6 tới” .

Tại ĐHCĐ, các cổ đông đã biểu quyết thông qua nội dung niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX, hoặc HoSE, hoặc đăng kí giao dịch UpCoM. Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu cho thấy hơn 71% cổ phần (hơn 840 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết) không thông qua cả 3 phương án niêm yết trên 2 sàn và UpCoM. 

Một cổ đông gợi ý Maritime Bank có thể chủ động xin sáp nhập vào một ngân hàng khác tốt hơn, ví dụ như MB – cũng đang tìm đối tác sáp nhập và MSB hiện sở hữu cổ phần MB. Vì M&A là cách tốt nhất để giảm sở hữu chéo.

Chủ tịch Trần Anh Tuấn cho biết, hiện, có 2 ngân hàng nhỏ khác đang xin sáp nhập vào MSB, nhưng HĐQT đang xem xét cân nhắc việc nhận sáp nhập này có ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng ra sao. Bởi phải đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và đảm bảo quyền lợi của cổ đông cũng như ngân hàng.

Trích lập dự phòng rủi do đột biến

Trong nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, Maritime Bank đã kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2016 ở mức 2,17%, tương đương khoảng 762 tỷ đồng nợ xấu. Ngân hàng đã phải trích dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 452 tỷ đồng.

Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trích lập trong năm 2016 của Maritime Bank lên tới 1.743,4 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2015 (dự phòng chỉ ở mức 526,8 tỷ đồng). Ngân hàng đã bán lượng lớn nợ xấu cho VAMC với dư nợ trái phiếu đặc biệt trong năm 2015 lên tới 9.983 tỷ đồng, đến cuối 2016 giảm xuống còn 8.874 tỷ đồng- tức ngang ngửa quy mô vốn của Maritime Bank trước khi sáp nhập MekongBank.

Cổ đông đã chất vấn ban điều hành vì sao số liệu trích lập dự phòng rủi ro lại tăng đột biến gấp 3,3 lần so với năm trước?

Ông Trần Xuân Quảng: ngân hàng tích cực xử lý trong thời gian qua và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, đảm bảo tài chính lành mạnh. Việc trích lập này thực hiện theo các quy định và yêu cầu của NHNN, đảm bảo các chỉ số an toàn vốn hoạt động. Ngân hàng rất thận trọng và đảm bảo sự an toàn cho các hoạt động…

Mục tiêu là tăng cường sự ổn định của ngân hàng, trích lập dự phòng định tính và định lượng là vô cùng quan trọng với sự hoạt động an toàn, ổn định của ngân hàng. Do đó, MSB chỉ đặt mục tiêu năm 2017 đạt lợi nhuận trước thuế 165 tỷ đồng.

Báo cáo của HĐQT cũng công bố tình hình thực hiện xử lý nợ xấu của Maritime Bank, cụ thể: đã sử dụng dự phòng 521 tỷ đồng để xử lý rủi ro, nhận tài sản đảm bảo thay thế nghĩa vụ trả nợ 241,6 tỷ đồng, bán nợ xấu cho VAMC trong năm 2016 là 517,6 tỷ đồng và bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân khác là 543,1 tỷ đồng. Ngân hàng đã thu nợ xấu từ khách hàng là 377 tỷ đồng, thu nhập do thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro 586,7 tỷ đồng...

Trong năm 2017, Maritime Bank đặt ra mục tiêu xử lý được 7.015 tỷ đồng (nợ rủi ro, nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC) và đến 31/12/2017 duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%.

>> Tín hiệu vui cho cổ đông ngân hàng Maritime Bank sau 5 năm chờ đợi

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...