Chia cổ tức 21% bằng cổ phiếu
Chiều 23/4, Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) sôi động nhất ở phần thảo luận về chính sách cổ tức của nhà băng này. Với hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của năm 2018, SHB sẽ thực hiện trừ nghĩa vụ thuế, trích quỹ… Lợi nhuận còn lại sẽ dùng chia cổ tức ở mức 21% nhưng SHB muốn trả bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, dành nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.
Dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn thêm 5.534 tỷ đồng lên mức 17.570 tỷ đồng, thông qua hai phương án.
Một là, sẽ phát hành 252,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho năm 2017 và năm 2018 (tương đương 2.526 tỷ đồng tính theo mệnh giá). Tỷ lệ thực hiện là 21%.
Hai là, phát hành 300,7 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông và ưu tiên cổ đông hiện hữu (tương đương 3.007 tỷ đồng tính theo mệnh giá). Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1, đồng nghĩa mỗi cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Dự kiến thời điểm phát hành là tháng 10/2019 và ĐHCĐ sẽ uỷ quyền cho HĐQT thực hiện.
Theo phương án, SHB sẽ dùng nguồn vốn tăng thêm để mở rộng quy mô cho vay (4.684 tỷ đồng), còn lại 850 tỷ đồng sẽ đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh.
Tại đại hội, nhiều cổ đông nhỏ lẻ bày tỏ mong muốn ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, thay vì bằng cổ phiếu. Vì suốt nhiều năm qua, các kỳ ĐHCĐ đều thông qua kế hoạch cổ tức 8-10% song SHB đều chọn chia bằng cổ và chậm thực hiện trả cổ tức. Đến nay, ngân hàng vẫn chưa trả cổ tức 9% của năm 2017 và cổ đông tiếp tục phải chờ đợi để được nhận cổ tức “cộng dồn” của 2 năm qua.
Hơn nữa, cổ đông lo ngại việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tiếp tục pha loãng giá trị cổ phiếu khiến SHB tiếp tục giảm mạnh. Trong khi, cổ phiếu SHB đã nằm quanh vùng đáy 4.000-5.000 đồng/CP nhiều năm qua. Nhẩm tính, với giá cổ phiếu SHB hiện ở mức 7.600 đồng/CP, nếu SHB phát hành cổ phiếu giá 10.000 đồng/CP để chia cổ tức thì cổ đông lập tức bị thiệt giá trị và thị giá có thể giảm sâu thêm.
Chia sẻ với nỗi niềm của cổ đông, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển phân trần, bản thân ông cũng là cổ đông, cũng rất muốn được chia cổ tức. Năm qua, giá cổ phiếu SHB cũng từng tăng rất mạnh lên 14.000 đồng/CP khiến cổ đông phấn khởi.
Nhưng ông Đỗ Quang Hiển cho rằng việc tăng vốn điều lệ hiện giờ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của SHB trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đáp ứng theo chuẩn mực Basel II. Đằng sau chuyện chia cổ tức còn là vấn đề hậu sáp nhập Habubank vào SHB chưa xử lý xong, trong đó, Habubank có khoản nợ liên quan đến Vinashin, nên ngân hàng phải bán cho VAMC và trích lập dự phòng trong 8 năm.
“Theo yêu cầu của NHNN, SHB cần phải đưa dự phòng xuống dưới 5 năm thì mới được chia cổ tức, do vậy ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng xử lý xong sớm để thực hiện chia cổ tức trong năm nay”, Chủ tịch SHB giải thích.
Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển giải thích về lý do chia cổ tức 21% bằng cổ phiếu
Hơn nữa, theo ông Hiển, hiện nay các ngân hàng đều phải đáp ứng chuẩn Basel II, trong đó có SHB, mà để đáp ứng được Basel II thì yêu cầu đầu tiên đó là tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, để phục vụ cho sự phát triển của các công ty con cũng cần phải có vốn do vậy phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất.
“Tôi rất tôn trọng các cổ đông nhỏ lẻ, tôn trọng lợi ích của các cổ đông như nhau, nhưng cũng mong các cổ đông chia sẻ với các chuẩn mực mà ngân hàng phải đạt được. Nếu chúng ta chỉ tính đến trước mắt thì lâu dài không phát triển được” -ông Hiển nói.
Mục tiêu lợi nhuận 3.065 tỷ đồng
Trên cơ sở vốn mới, SHB sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với tổng tài sản mục tiêu năm 2019 là 372.917 tỷ đồng, tăng 15,4% sau một năm. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân mục tiêu đạt 283.922 tỷ đồng, tăng 16,6%. Số dư cấp tín dụng mục tiêu 261.592 tỷ đồng, tăng 13% và kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 lên đến 3.068 tỷ đồng, tăng 46,5% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, SHB đặt kế hoạch thu hồi 3.500 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, trích lập dự phòng rủi ro dự kiến 2.164 tỷ đồng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC. Dự kiến tỷ lệ cổ tức sẽ là 11%.
Theo tờ trình, năm nay SHB sẽ mở rộng sự hiện diện của SHB tại quốc gia Bờ Biển Ngà khi thông qua việc thành lập ngân hàng con 100% vốn đầu tư của SHB hoặc góp vốn đầu tư vào một tổ chức tín dụng tại Bờ Biển Ngà, mở đường vào thị trường châu Phi.
Lãnh đạo SHB cho biết, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà không ngừng tăng lên, chủ yếu là các dự án xây dựng nhà máy chế biến phục vụ xuất nhập khẩu giữa hai nước. Năm 2018 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai thị trường đạt 1 tỷ USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam 90%, còn 10% là xuất khẩu. Bờ Biển Ngà là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam, chủ yếu là hạt điều thô và bông. Do đó, nhu cầu về vốn và các hoạt động thanh toán quốc tế cũng tăng lên nhanh chóng, trong khi đó lại vắng bóng các TCTD Việt Nam tại đây.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1/2019, ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB cho biết, lợi nhuận trước thuế 744 tỷ đồng, cao hơn 48% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản SHB đến cuối tháng 3 ở mức 334.000 tỷ đồng, huy động vốn trên thị trường 1 đạt 225.000 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 246.000 tỷ đồng, tăng 6%.