Điện lực Gia Lâm “không thích” áp dụng Luật Đấu thầu?

Mặc dù Điện lực Gia Lâm khẳng định làm đúng quy định tại các gói thầu nhưng xung quanh sự quả quyết này vẫn còn nhiều “điểm gợn”.
Điện lực Gia Lâm “không thích” áp dụng Luật Đấu thầu?

Sau 2 bài viết: Chuyện lạ đấu thầu tại Điện lực Gia Lâm: 2 gói thầu lớn có dấu hiệu gian lận, đăng tải ngày 15/08/2020; và bài Hé lộ tiếp “ưu ái” của Điện lực Gia Lâm cho “gà nhà” đăng tải ngày 20/08/2020 liên quan đến nhiều khuất tất trong công tác tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu trên thuonggiaonline.vn, chủ đầu tư là Công ty Điện lực Gia Lâm đã có công văn phản hồi.

“Bỏ qua” quy định pháp luật phê duyệt Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng trúng thầu

Theo công văn số 2153/PC GIALAM- ĐTXD, đề ngày 21/08/2020, do một Phó giám đốc ký thay Giám đốc Nguyễn Văn Thành gửi Tạp chí Thương gia, khẳng định: Gói thầu 01 XL-2020 thi công xây lắp công trình thuộc dự án Xây dựng mới các TBA trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2020; và Gói thầu số 04XL- 2020 thi công xây lắp công trình thuộc dự án Bổ sung đường trục hạ thế các TBA trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2020, Công ty đã xét thầu theo đúng quy định và phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) là Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng (Công ty CP ĐTXD và PTHT).

Theo đó, Điện lực Gia Lâm cho biết, về nhân sự chủ chốt để thực hiện gói thầu Công ty CP ĐTXD và PTHT đã kê khai và đính kèm hồ sơ chứng minh năng lực cho nhân sự thực hiện gói thầu như Chỉ huy trưởng Công trình, cán bộ kỹ thuật là đáp ứng các yêu cầu trong HSMT. “Hai gói thầu trên đã thi công hoàn thành công trình, Nhà thầu có đủ nhân sự thực hiện thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng hợp đồng đã ký kết với Công ty Điện lực Gia Lâm” – nội dung công văn khẳng định.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Điều 15 khoản 1) quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Theo hướng dẫn tại Mẫu số 15 và Mẫu số 18 Mẫu HSMT xây lắp một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 06/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà thầu phải đề xuất một số vị trí nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Theo đó, nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu đáp ứng các yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những nhân sự, thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gái thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.

Tại Khoản 3, Điều 5 đánh giá hồ sơ dự thầu của Thông tư 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu quy định: Trường hợp nhà thầu cùng lúc tham dự thầu nhiều gói thầu và được đánh giá xếp hạng thứ nhất đối với gói thầu này đồng thời trúng thầu ở một hoặc nhiều gói thầu khác thì chủ đầu tư, bên mời thầu phải làm rõ khả năng thực hiện gói thầu của nhà thầu này trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá HSDT, chủ đầu tư đã không làm rõ nhân sự của nhà thầu này theo đúng quy định pháp luật nhưng Công ty Điện lực Gia Lâm vẫn khẳng định nhà thầu Công ty CP ĐTXD và PTHT không kê khai gian lận làm đúng quy định, đáp ứng các yêu cầu trong HSMT.

Cụ thể, tại Báo cáo đánh giá HSDT của nhà thầu tại 02 gói thầu này, Công ty Điện lực Gia Lâm không hề có bất kì văn bản nào yêu cầu làm rõ vì sao nhà thầu Công ty CP ĐTXD và PTHT lại kê khai các nhân sự chủ chốt và phổ thông cho một gói thầu mà thầu này đã huy động để thực hiện gói thầu xây lắp khác mà Công ty Điện lực Gia Lâm “nhanh chóng” phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trước đó, Thuonggiaonline.vn đã phản ánh, tại thời điểm Công ty cổ phần ĐTXD và PTHT tham gia dự thầu gói thầu trên, nhà thầu này đang sử dụng “dàn” nhân sự chủ chốt trên gồm các nhân sự Nguyễn Tiến Nam (Chỉ huy trưởng công trường); Đoàn Văn Thiều, (kỹ sư điện), Vũ Đức Long (kỹ sư xây dựng) đang trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công Gói thầu 67.2019 – XL – ĐTXD: “Xây lắp” của Công ty Điện lực Phú Xuyên. Việc này vô hình chung đã tước cơ hội cho các nhà thầu khác.

Cũng tại công văn phúc đáp, Điện lực Gia Lâm cho biết, Công ty phê duyệt gói thầu số 10.XDCB-2018 xây lắp công trình thuộc dự án công trình nâng công suất các TBA trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2018 theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 2316/QĐ-PC Gia Lâm ngày 14/09/2018. Gói thầu có giá không quá 5 tỷ đồng, dành cho doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu (doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng).

Điện lực Gia Lâm khẳng định căn cứ vào HSDT, văn bản kê khai nhân sự và báo cáo tài chính 2017 được đăng tải trên hệ thống, Công ty CP ĐTXD và PTHT đáp ứng các điều kiện trên về cấp doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, ngay trong báo cáo đánh giá gói thầu trên, Điện lực Gia Lâm cũng không làm rõ nhà thầu Công ty cổ phần ĐTXD và PTHT có đáp ứng các điều kiện về cấp doanh nghiệp hay không trong khi đây là quy định bắt buộc mà chủ đầu tư phải tuân thủ trong quá trình đánh giá đối với các gói thầu xây lắp dành cho các doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ.

Đáng chú ý, công văn trả lời Thương gia ghi: “căn cứ vào HSDT, văn bản kê khai nhân sự và báo cáo tài chính 2017 được đăng tải trên hệ thống” nhưng Điện lực Gia Lâm cũng không nói rõ căn cứ vào văn bản kê khai nhân sự trên hệ thống nào?

Trong khi đó, theo tài liệu mà chúng tôi có được, Công ty CP ĐTXD và PTHT không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu đối với gói thầu áp dụng điều kiện cấp doanh nghiệp, trong đó có Gói thầu số 10.XDCB-2018 xây lắp công trình thuộc dự án công trình nâng công suất các TBA trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2018 do Công ty Điện lực Gia Lâm làm chủ đầu tư.

Vì nhà thầu không kiện nên chủ đầu tư được làm trái pháp luật?

Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự ký hợp đồng với nhà thầu...

Dù đưa ra các yêu cầu nhân sự, phải đang làm việc chính thức cho nhà thầu (không phải cộng tác viên), có hợp đồng lao động; công nhân tham gia thi công gói thầu phải có hợp đồng lao động tại hai Gói thầu số 01 XL-2020 và Gói thầu số 04XL- 2020 ở phần tiêu chuẩn đánh giá HSDT nhưng công văn phúc đáp của Điện lực Gia Lâm “vô tư” khẳng định: “trong quá trình phát hành HSMT, Công ty không nhận được văn bản làm rõ, thắc mắc của nhà thầu nào liên quan đến nội dung này”!?.

Cần nhắc lại rằng, nhà thầu trúng thầu các Gói thầu trên vẫn là “gương mặt thân quen” Công ty CP ĐTXD và PTHT của Điện lực Gia Lâm.

Không chỉ 2 gói thầu trên, Gói thầu số 10.XDCB-2018 xây lắp công trình thuộc dự án công trình nâng công suất các TBA trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2018, trong quá trình lập HSMT, Điện lực Gia Lâm cũng yêu cầu, phần tiêu chuẩn đánh giá HSDT với nhân sự: chỉ huy trưởng công trình, cán bộ kỹ thuật điện, xây dựng thi công gói thầu phải đang làm việc chính thức cho nhà thầu (không phải cộng tác viên), có hợp đồng lao động; công nhân tham gia thi công gói thầu phải có hợp đồng lao động. Và ở tại gói thầu số 10.XDCB-2018 nhà thầu trúng thầu cũng chính là Công ty CP ĐTXD và PTHT với giá trúng thầu 1.070.222.888 VNĐ.

 “Vượt rào” phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu?

Ngoài những vấn đề trên, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện những dấu hiệu “không bình thường” trong quá trình lựa chọn nhà thầu của Giám đốc Điện lực Gia Lâm - Nguyễn Văn Thành.

Cụ thể, tại khoản Điều 16 Luật Đầu thầu quy định (về điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu), đối với các cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của gói thầu, dự án, trừ cá nhân thuộc nhà thầu, nhà đầu tư.

Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT cũng quy định các loại hình đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu: “Đào tạo đấu thầu cơ bản” quy định trong Thông tư này áp dụng cho các cá nhân tham gia vào hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo thông tin trên hệ thống đấu thầu mạng quốc gia (Cục Quản lý Đấu thầu, Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lâm Nguyễn Văn Thành được cơ sở đào tạo đấu thầu (Cục Quản lý Đấu thầu quản lý) cấp Chứng nhận đào tạo về đấu thầu C01.12.4713-C (đấu thầu cơ bản)  từ ngày 10/8/2018 và hết hiệu lực 10/8/2023. Nhưng trước thời điểm được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về đấu thầu, Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lâm Nguyễn Văn Thành vẫn “vô tư” phê duyệt kết quả lựa chọn thầu hàng loạt các gói thầu do Điện lực Gia Lâm làm chủ đầu tư mà không bị cơ quan cấp trên phát hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Ngoài Điện lực Gia Lâm, nhà thầu CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng còn trúng thầu hàng loạt các gói thầu thuộc hệ thống các Công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...