Hé lộ tiếp “ưu ái” của Điện lực Gia Lâm cho “gà nhà”

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có giá trị hàng tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển do Điện lực Gia Lâm, đang tiếp tục có những dấu hiệu trái với quy định của Luật Đấu thầu.
Hé lộ tiếp “ưu ái” của Điện lực Gia Lâm cho “gà nhà”

Một trong những dấu hiệu bất thường đó là việc Điện lực Gia Lâm cho phép nhà thầu CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng (Đầu tư và Phát triển hạ tầng) không đủ tư cách hợp lệ để tham gia gói thầu dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đáng chú ý, gói thầu trên sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước (NSNN) mà Điện lực Gia Lâm bắt buộc phải tuân thủ theo quy định pháp luật đấu thầu.

Thông báo một đằng thực hiện một nẻo

Điều 43 Luật Đấu thầu quy định một trong những quy định việc xét duyệt trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ xây lắp là hồ sơ dự thầu (HSDT) phải hợp lệ, phù hợp với văn bản pháp lý đã được chủ đầu tư phê duyệt trước đó, trong đó có Thông báo mới thầu (TBMT).

Tuy nhiên, đối với gói thầu xây lắp mà Điện lực Gia Lâm tổ chức đấu thầu rộng rãi vừa qua, TBMT yêu cầu chỉ cho phép doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia nhưng không hiểu vì lý do gì nhà thầu mà Điện lực Gia Lâm phê duyệt trúng thầu lại “siêu to khổng lồ”

Cụ thể: gói thầu số 10.XDCB-2018: xây lắp công trình thuộc dự án Công trình: Nâng công suất các TBA trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2018. Gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, thời gian phát hành HSMT từ 11 giờ 44 phút ngày 24/8/2018 đến trước 9 giờ 00 ngày 04/9/2018.

Trong TBMT do Điện lực Gia Lâm đăng tải ngày 24/8/2018 ghi rất rõ: “gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ (theo quy định của pháp luật DN) tham gia đấu thầu”.

Song, khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu trúng thầu lại không phải DN cấp siêu nhỏ, nhỏ. Nhà thầu trúng thầu là CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng với giá trúng thầu 1.070.222.888 VND, theo Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 2316/QĐ-PC Gia Lâm ngày 14/09/2018.

Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Ngoài ra tại Mẫu Hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ KH&ĐT, yêu cầu các chủ đầu tư phải quy định rõ về điều kiện tham gia (tư cách hợp lệ nhà thầu) đối với gói thầu không quá 5 tỷ đồng tại Hồ sơ mời thầu.

Thế nhưng tại báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng, tổng doanh thu bán hàng năm 2017 của doanh nghiệp này là hơn 88 tỷ đồng, tổng nguồn vốn số cuối năm 2017 là gần 56,3 tỷ đồng.

Nếu căn cứ quy định pháp luật về phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, nhà thầu Đầu tư và Phát triển hạ tầng hoàn toàn không đủ điều kiện để được tham gia đấu thầu gói thầu trên do không thuộc doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Cụ thể, quy định tại khoản 2, Điều 6 và Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ cụ thể hóa tiêu chí xác định doanh nghiệp theo quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Theo đó, một trong 02 tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực xây tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy sự khó hiểu khi một mặt Điện lực Gia Lâm công khai thông tin các gói thầu ghi rất rõ : “gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ (theo quy định của pháp luật DN) tham gia đấu thầu” nhưng kết quả trúng thầu lại thuộc DN không đủ điều kiện xét duyệt trúng thầu. Và nhà thầu trúng thầu Gói thầu trên vẫn là “gương mặt thân quen” của Điện lực Gia Lâm.

Đáng chú ý, Đầu tư và Phát triển hạ tầng cũng có dấu hiệu gian lận khi tham gia đấu thầu 02 gói thầu do Điện lực Gia Lâm làm chủ đầu tư nhưng vẫn được Điện lực Gia Lâm ưu ái phê duyệt trúng thầu bất chấp quy định pháp luật.

Không công khai kết quả đấu thầu gói thầu có giá trị hàng chục tỷ đồng

Theo Khoản 6 Điều 20 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu rõ: Sau khi có quyết định phê duyệ báo kết quả lựa chọn nhà thầu , bên mời thầu phải đăng tải thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu(TBKQLCNT) trong đó bao gồm danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu.

Tuy nhiên, với gói thầu số 02.XDCB-2018 Thi công xây lắp công trình: “Khai thác tải TBA 110kV nối cấp 220kV Long Biên - Hạ điện áp lộ 373E1.2 và 375E1.2”, không hiểu vì lý do gì Điện lực Gia Lâm không công khai TBKQLCNT.

Đáng chú ý, tại gói thầu này, Đầu tư và Phát triển hạ tầng (liên danh với CTCP đầu tư EPT) tiếp tục trúng thầu với giá trị thực hiện hơn 23,14 tỷ đồng (Hợp đồng số 12/HĐ-PC GIALAM. Gói thầu số 02.XDCB-2018: Thi công xây lắp công trình ngày 7/4/2018).

Theo một chuyên gia đấu thầu, mục đích của việc đăng tải công khai KQLCNT trong thời hạn nhất định là để thông báo nhà thầu nào trúng thầu. Đây là thông tin quan trọng để giám sát được quá trình lựa chọn nhà thầu, cũng giống như một cuộc thi công khai thì phải công bố kết quả, để những ai quan tâm có thể biết người được chọn có xứng đáng hay không. Nếu không, dư luận và nhà thầu trượt có lý do để đặt ra nghi vấn về động cơ của việc không công bố KQLCNT của chủ đầu tư/bên mời thầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, CTCP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thành lập năm 2003, đăng ký trụ sở chính tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, do bà Vũ Thị Lan (SN 1973) làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin những “khuất tất” đối với kết quả quả lựa chọn nhà thầu của hàng loạt các gói thầu mà nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng đã trúng tại nhiều gói thầu thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cũng như mối quan hệ khăng khít cổ đông trong nội tại doanh nghiệp này.

Ngoài Điện lực Gia Lâm, nhà thầu CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng còn trúng thầu hàng loạt các gói thầu chỉ dành cho nhà thầu cấp siêu nhỏ, nhỏ gồm:

- Gói thầu 67.2019- XL-ĐTXD: “Xây lắp” do Điện lực Phú Xuyên là chủ đầu tư;

- Gói thầu 03/2018-XL-ĐTXD thuộc Dự án Xây mới các TBA huyện Phú Xuyên năm 2018 giai đoạn 1 do Điện lực Phú Xuyên là chủ đầu tư; 

- Gói thầu 01-2020Xây lắp” thuộc dự án Cải tạo các vị trí đường dây trung thế xung yếu, mất an toàn, giao chéo với các đường dây 110, 220kV trên địa bàn huyện Thanh Trì do Điện lực Thanh Trì là chủ đầu tư;

- Gói thầu “Thi công xây lắp công trình Cải tạo xuất tuyến trung thế tại trạm biến áp 110kV E1.10 Văn Điển và khôi phục liên thông giữa các lộ 371, 373, 375, 473, 478 E1.10” thuộc dự án: Cải tạo xuất tuyến trung thế tại trạm biến áp 110kV E1.10 Văn Điển và khôi phục liên thông giữa các lộ 371, 373, 375, 473, 478 E1.10 do Điện lực Thanh Trì là chủ đầu tư.

Có thể bạn quan tâm