Đô thị hoá nhanh khiến quy hoạch chăn nuôi Hà Nội chưa đồng bộ

Trong giai đoạn 2022 - 2030, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch chăn nuôi tại các địa phương chưa được đồng bộ, còn khá nhiều bất cập trong tổ chức ....

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, vì đô thị hoá quá nhanh, diện tích nông nghiệp và quỹ đất cho chăn nuôi của Hà Nội bị thu hẹp. Đây là khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi.

Đặc biệt ở một số huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn, nhiều trang trại, nhiều cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi như: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức… việc di dời các cơ sở chăn nuôi, giết mổ sẽ rất khó khăn, phức tạp đến năm 2030.

chăn nuôi
Trang trại chăn nuôi xa khu dân cư 

Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định về các vùng cấm chăn nuôi, khu vực nội thành, nội thị của thành phố còn chậm, đặc biệt ở các quận có nhiều vùng đất bãi, vùng ven sông như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông…

Chưa kể, còn nhiều bất cập trong quy hoạch và tổ chức thực hiện chăn nuôi ở các địa phương, nhất là các huyện đã có lộ trình lên quận, quỹ đất dành cho chăn nuôi đã bị thu hẹp.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, thành phố Hà Nội có tổng đàn trâu 28,7 nghìn con, đàn bò 128 nghìn con, đàn lợn 1,5 triệu con, gia cầm 38,7 triệu con. Nhờ điều kiện diện tích đất nông nghiệp và vùng đồi gò, vùng bãi thuận lợi cho sản xuất thức ăn cho đại gia súc.

Thêm vào đó, có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng vẫn giữ nguyên hình thức chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi tận dụng chiếm gần 60%. Điều này gây ra tình trạng phát sinh nhiều cơ sở giết mổ không đạt chuẩn, thủ công.

Do đó, cần quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển và giết mổ nhỏ lẻ vì tỷ lệ này vẫn cao. Ngoài ra, còn phải khắc phục những hạn chế trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau giết mổ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung hiện đại, liên kết, tuần hoàn, gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, an toàn sinh học và du lịch sinh thái.

Cần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và dừng chăn nuôi ở những nơi không được phép và tạo thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi đặc thù vùng miền có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm.

Thêm vào đó, khi dịch chuyển chăn nuôi gia súc lớn sang các tỉnh lân cận. Cần hợp tác, kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các huyện. Đặc biệt là phát triển chăn nuôi thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Phấn đấu có 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi khép kín, chuỗi liên kết. Về cơ bản các vùng chăn nuôi tập trung hoạt động chăn nuôi công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao. Ứng dụng rộng rãi công nghệ số hóa trong công tác quản lý hoạt động chăn nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn còn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu phát triển chăn nuôi hiện đại, Hà Nội sẽ cần nhanh chóng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch theo đặc điểm sinh thái và thế mạnh của từng vùng.

Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng chủ lực, ưu tiên sản xuất con giống có năng xuất chất lượng cao, bảo tồn các giống địa phương có giá trị. Giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép.

Ngoài ra, tiếp tục hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao như công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hệ thống chuồng kín, quy trình xử lý chất thải, nước thải khép kín tại trang trại chăn nuôi.

Có thể bạn quan tâm