Cộng đồng DNNVV đang được quan tâm nhiều nhất, chiếm tới 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động
Đại diện chính quyền địa phương phát biểu tại Đại hội, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Hiệp hội DNNVV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.
Theo ông Liêm, hiện cả nước có gần 700.000 DN và TP.HCM chiếm 50% trong số đó và bình quân mỗi năm số lượng DN phát triển tăng 13 – 15%. Trong năm 2018, đã có gần 4.000 hộ cá thể đã chuyển đổi lên DN để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhờ những chính sách vĩ mô của Trung ương, trong đó có những chính sách đặc thù của TP.
Về cơ cấu thành phần kinh tế, DN Nhà nước hiện nay chiếm 15-16%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23%, còn lại, riêng DN ngoài nhà nước hiện nay chiếm đến 58 – 60%, thì đây là một con số khá ấn tượng.
“Theo định hướng của TP, năm 2019 số lượng DN sẽ phát triển cao hơn năm 2018. Đặc biệt, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa cơ quan Nhà nước với cộng đồng DNNVV, đồng thời TP sẽ thường xuyên nắm bắt phản ánh những khó khăn, kiến nghị của DN để kịp thời đưa ra phương án giải quyết. TP sẽ luôn thực hiện chính sách hổ trợ để các DN ngày càng phát triển, góp phần đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, xã hội”, ông Lê Thanh Liêm cho hay.
Báo cáo tại Đại hội, ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Trưởng Văn phòng phía Nam, cho biết: Sau 5 năm thành lập, Hiệp hội DNNVV khu vực phía Nam đã đạt được các chỉ tiêu do Đại hội lần thứ nhất đề ra, Hiệp hội luôn nắm rõ các chức năng và nhiệm vụ của mình, trọng tâm của đơn vị là cầu nối giữa Nhà nước với cộng động DNNVV.
Đồng thời, là đơn vị trung tâm với các đơn vị thành viên, chú trọng quan tâm công tác tư vấn đào tạo và hỗ trợ các DNNVV về các lĩnh vực như: Thuế, hải quan, ngân hàng, thị trường, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ... ngoài ra, còn thực hiện các phong trào, góp phần thực hiện nhiệm chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Hiện nay, cộng đồng DNNVV đang được quan tâm nhiều nhất, chiếm tới 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Mặc dù ghi nhận DN có nhiều điều kiện thuận lợi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, song ông Tùng cho rằng vẫn còn gặp những khó khăn và cần giải quyết.
"Cụ thể, trong những năm qua, DNNVV phát riển khá nhanh về mặt số lượng, song chưa được chú ý về mặt chất lượng để thích ứng với những biến động diễn ra nhanh, không lường trước của thị trường đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, dẫn đến số DN làm ăn trên thị trường thua lỗ phải ngừng hoạt động ngày càng tăng, theo số liệu thống kê của Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký Doanh nghiệp, riêng trong Qúy 3/2018 có trên 25.000 DN đã tạm ngừng hoạt động và giải thể.
Mặc khác, dù Chính phủ ngày càng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển một cách có hệ thống và thông thoáng về vốn cho DN như giúp lạm phát kiềm chế, lãi suất cho vay giảm... tuy nhiên, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ DNNVV tổ chức triển khai còn chậm, nhất là liên quan đến vấn đề tài sản thế chấp, xử lý nợ xấu... nên các chính sách chưa phát huy được hiệu quả.
Bên cạnh đó, còn gặp khó khăn về tiếp cận thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Đa phần các DNNVV thiếu rất nhiều thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu, tập trung ở hai nội dung chính là: Thiếu hiểu biết về nội dung các Hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế; và biết rất ít về những thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhất là thông tin về thuế suất, luật pháp, nhu cầu, giá cả... của nước nhập khẩu và thiếu thông tin, hiểu biết về trình tự, thủ tục và đầu mối quyết những nội dung liên quan đến nhập khẩu.
Ông Tùng cho rằng, đây là những khó khăn sẽ còn tồn tại trong thời gian dài, nếu không có sự chỉ đạo, hành động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và bản thân từng DN.