Doanh nghiệp “rục rịch” lo Tết cho người lao động

Nhiều doanh nghiệp đang “rục rịch” với kế hoạch thưởng Tết, nhưng cũng có khá nhiều doanh nghiệp đã “chốt” mức thưởng cho cán bộ, công nhân viên trong dịp Tết Nguyên đán này.
Doanh nghiệp “rục rịch” lo Tết cho người lao động

Luôn chú trọng vấn đề thưởng Tết

Mặc dù thưởng Tết không mang tính bắt buộc, mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và thỏa ước lao động nhưng nhiều doanh nghiệp đã rất chú trọng cho vấn đề này. Chia sẻ từ ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc chi nhánh Đại Từ, Thái Nguyên thuộc công ty TNG chuyên sản xuất hàng may mặc, thời trang xuất khẩu, để đảm bảo thu nhập cũng như nâng cao đời sống cho hơn 14.000 lao động, từ nhiều năm nay, vấn đề lương thưởng Tết của công ty luôn được chú trọng và khá ổn định. Trung bình mỗi lao động được hưởng 1 tháng lương.

“Năm 2018, mỗi lao động được thưởng 1,2 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, năm nay do ngành may mặc có khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt 138% kế hoạch năm, nên dự kiến tiền thưởng Tết có thể cao hơn năm trước. Hiện nay công ty may TNG có trên 14.000 lao động với mức lương trung bình mỗi tháng là 7,1 triệu đồng/ người. Dự kiến, năm nay công ty sẽ dành ra khoảng 149 tỷ đồng để thưởng Tết”, ông Huy cho biết.

Hay như chia sẻ đến từ ông Cù Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, để người lao động yên tâm làm việc, từ đầu tháng 12, công ty đã niêm yết thông tin chính thức các mức thưởng Tết tại các phân xưởng để công nhân tiện theo dõi, biết được thành quả làm việc của mình trong năm.

Theo đó, mức thưởng Tết 2019 dao động từ 1 đến 2,2 tháng lương, trong đó, mức thưởng cao nhất 2,2 tháng lương dành cho người lao động đã làm việc tại công ty 10 năm trở lên. Gần 66.000 lao động với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng, ước tính công ty thưởng cho người lao động hơn 600 tỷ đồng.

“Ngoài lương, thưởng Tết, công ty còn tặng quà, hỗ trợ vé xe cho công nhân về quê ăn Tết, tổ chức văn nghệ ở tại khu lưu trú của công nhân” - ông Nghiệp cho biết thêm.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food cũng cho biết, trong dịp Tết 2019, người lao động sẽ thưởng 2 tháng lương, trung bình 17 triệu đồng/người. Đặc biệt, công nhân sản xuất có tay nghề cao, đạt danh hiệu thi đua được thưởng gần 3 tháng lương, tương đương mức thưởng năm 2018 thực nhận trên 30 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết với tổng chi phí là 1,4 tỷ đồng.

Mức thưởng nhỉnh hơn 2018

Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, mức thưởng Tết 2019 đa phần sẽ thưởng tháng lương 13 và có một số doanh nghiệp mức thưởng sẽ nhỉnh hơn so với năm 2018.

Báo cáo từ các địa phương cũng cho thấy, mức thưởng Tết trung bình mà các doanh nghiệp dành cho người lao động năm 2019 có vẻ khả quan hơn năm 2018.

Theo như công bố mới nhất từ Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, mức thưởng Tết 2019 cao nhất đến từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho một cá nhân là 545 triệu đồng và thấp nhất là 200 nghìn đồng. Lần lượt tương ứng con số này tại khối doanh nghiệp dân doanh là 108 triệu và 100 nghìn đồng; doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước là 67 triệu đồng và 500 nghìn đồng; doanh nghiệp Nhà nước là 36 triệu đồng và 1,1 triệu đồng/người.

Trước đó, hàng loạt các địa phương cũng đã công bố thống kê về mức thưởng Tết với điểm sáng thuộc về các doanh nghiệp khu vực FDI. Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 1,17 tỷ đồng cho một cá nhân làm việc trong ngành tài chính ngân hàng. Tương tự, tại Hà Nội, mức thưởng cao nhất 396 triệu đồng cũng thuộc về doanh nghiệp FDI. Một doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng cũng công bố mức thưởng hơn 411 triệu đồng. Con số này tại Bắc Ninh là 350 triệu đồng và cũng thuộc về một doanh nghiệp FDI.

Nhận định về vấn đề này, bà Tống Thị Minh - Nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, mức thưởng Tết năm 2019 có thể sẽ cao hơn 2018 bởi trong năm qua, nhìn chung tình hình kinh doanh trong các doanh nghiệp tương đối ổn định và có nhiều khởi sắc hơn. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2018 cũng tăng hơn trước.

Đặc biệt, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ… các ngành liên quan đến xuất khẩu đều có kết quả khả quan hơn năm trước.

>> Thưởng Tết 2019 ở Bắc Ninh cao nhất 350 triệu đồng

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...