Doanh nghiệp tự cứu mình bằng điện mặt trời mái nhà

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MWp. Sản lượng điện mặt trời mái nhà tăng qua các năm, đến hết năm 2021 đạt gần 19 triệu kWh.
Doanh nghiệp tự cứu mình bằng điện mặt trời mái nhà

Ngày 28/6, diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời mái nhà trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Điện mặt trời mái nhà cứu cánh ngày nắng

Vừa qua, thời tiết nắng nóng khiến thủy điện cạn nước phát điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, khiến hàng loạt các tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình rời vào tình trạng phải cắt điện luân phiên, tạo ra một cuộc khủng hoảng điện cục bộ.

Theo ông Nguyễn Khắc Văn, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, Hà Nội buộc phải tiết giảm điện đến 40% công suất.

Về đặc thù, điện cho công nghiệp xây dựng tại Hà Nội chiếm 27%, thương mại dịch vụ 7%, trên 56% điện dùng cho sinh hoạt và số còn lại dành cho nông nghiệp, lâm nghiệp. 

Trong thời gian tới, ông Văn cho biết nguy cơ nắng nóng trong mùa hè còn tiếp diễn trong tháng 7 và tháng 8, do đó việc cung ứng điện còn căng thẳng. Giải pháp hữu ích trong bối cảnh này là điện mặt trời mái nhà không nối lưới (tự sản, tự tiêu).

Cụ thể, năng lượng điện mặt trời mái nhà có nhiều yếu tố thuận lợi, dễ triển khai lắp đặt ngay trên mái nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp. Hơn nữa, điện mặt trời mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Ông Văn nói thêm, doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng.

điện mặt trời mái nhà
Toàn cảnh buổi hội thảo

Ngoài ra, về lợi ích lâu dài, ông Văn nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp sản xuất sẽ được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Dự thảo quyết định đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà chẳng hạn như: được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, dự thảo quyết định phân công Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc.

Phù hợp xu hướng chuyển đổi

Hiện nay, trên thế giới, quá trình thúc đẩy chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt cam kết như Net Zero phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, các nước trên thế giới, nhất là Mỹ và Châu Âu đều đang xây dựng lộ trình giảm thải carbon. Các chính sách dần dần sẽ trở thành những rào cản kỹ thuật đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào các quốc gia này.

Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế mở, phát triển mạnh mẽ nền kinh tế xuất nhập khẩu, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cách chính sách này. Do đó, nhiều cơ chế chính sách đã được Đảng, Nhà nước đưa ra để nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thuỷ điện và nhiệt điện không chỉ khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh từ đối tác quốc tế, mà nếu xảy ra sự cố thiếu điện thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, thời gian sản xuất và tiến độ giao hàng.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH GreenYellow Việt Nam, một chương trình quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 25% chi phí, giảm phát thải các bon từ 7-20%. Vì thế, công ty đang cung cấp các sản phẩm và giải pháp về năng lượng cho các doanh nghiệp, với việc vận hành và bảo trì miễn phí, dựa trên những giải pháp thông minh để vận hành và giám sát tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, ông Lê Anh Tuấn cũng lưu ý, việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ nên áp dụng với mái nhà xưởng trên 5.000 m2, doanh nghiệp có hóa đơn tiền điện trên 500 triệu đồng/năm và báo cáo tài chính 3 năm gần nhất có lãi.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, "xanh hóa" giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư xanh, nguồn vốn xanh. Đặc biệt, với các đối tác tại nhiều thị trường phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã và sắp được xem là bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu.

Vì vậy, theo ông Vinh, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm có giải pháp để chứng minh hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng sử dụng đạt tiêu chuẩn “xanh” thì chưa chắc có thể xuất khẩu được sang các thị trường khác như châu Âu.

“Đây không chỉ là vấn đề về chi phí mà là kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì thế, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tích cực phối hợp để doanh nghiệp không chỉ được hỗ trợ về thông tin, kiến thức mà còn có những cơ chế để tiếp cận tài chính, mặt bằng sản xuất, cơ sở hệ thống… cho tăng trưởng xanh”, ông Nguyễn Quang Vinh nêu.

Có thể bạn quan tâm