Tập đoàn Nestlé là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về thực phẩm và đồ uống. Nestlé Việt nam là doanh nghiệp luôn nằm trong danh sách Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam và tiếp tục góp mặt trong TOP 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2022.
Gắn kinh doanh - sản xuất với trách nhiệm xã hội, Tập đoàn Nestlé với đại diện là Nestlé Việt Nam luôn có một chiến lược phát triển gắn với môi trường dựa trên 4 lĩnh vực trụ cột. Ông Binu Jacob - TGĐ Nestlé Việt Nam đã có một buổi chia sẻ với báo giới rất cởi mở và chân thành, thể hiện rõ quan điểm về phát triển bền vững.
“Chúng tôi tin vào sức mạnh của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính niềm tin này đã thúc đẩy cam kết của chúng tôi trong việc sử dụng quy mô toàn cầu, nguồn lực và chuyên môn của mình để đóng góp vào một tương lai lành mạnh hơn cho con người và hành tinh.
Ông Binu Jacob - TGĐ Nestlé Việt Nam
Thưa ông, ông có thể cho biết những lĩnh vực trọng tâm sẽ được Nestlé tập trung triển khai trong thời gian tới?
Tại Việt Nam, đối với chiến lược bền vững liên quan đến môi trường, chúng tôi ưu tiên tập trung vào 4 lĩnh vực: Hành động chống biến đổi khí hậu, Giải pháp bao bì bền vững, Mua hàng có trách nhiệm, và Quản lý nguồn nước. Các ưu tiên này nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của tập đoàn trong Lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang làm là giới thiệu khái niệm nông nghiệp tái sinh và áp dụng cách tiếp cận này trong nông nghiệp tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nông nghiệp tái sinh là cách tiếp cận theo đó hoạt động sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học.
Cải tạo chất lượng đất, giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ tăng khả năng chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và cải thiện thu nhập và sinh kế cho người nông dân. Những tác động tích cực này sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho việc sản xuất thực phẩm một cách bền vững và góp phần đóng góp vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Nestlé.
Tập đoàn Nestlé có hành động cụ thể nào để khuyến khích đối tác địa phương trong chuỗi giá trị tham gia sâu hơn vào chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp?
Cam kết của Nestlé là luôn nỗ lực thực hiện các hành động tạo ra tác động tích cực đối với ba lĩnh vực gồm: Cá nhân và gia đình; cộng đồng; và hành tinh. Trong suốt hơn 25 năm qua tại Việt Nam, Nestlé đã và đang tạo nhiều giá trị chung cho cộng đồng cũng như phát triển các hoạt động bền vững của công ty; và chương trình NESCAFÉ Plan là một ví dụ thành công điển hình.
Chúng tôi thúc đẩy cơ chế kết nối đa bên thông qua các chương trình hợp tác WASI (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên), Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các chương trình hợp tác đối tác công tư, các tổ chức phi chính phủ và mọi bên để có thể triển khai chương trình này.
Lấy người nông dân làm trung tâm, cho đến nay ở các tỉnh Tây Nguyên, chương trình NESCAFÉ Plan đã có hơn 21.000 nông hộ tuân thủ theo tiêu chuẩn 4C và có hơn 15.000 nông dân tích cực tham gia thông qua hoạt động phân phát cây giống (2011-2022).
Giới thiệu mô hình canh tác theo thực hành nông nghiệp tốt (GAP/NBFP) đã tập huấn cho trên 260.000 lượt nông dân và giúp họ áp dụng các kiến thức đã học ngay trên vườn của mình, với tỷ lệ áp dụng trên 80% và tiết kiệm 40% lượng nước tưới, và giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, NESCAFÉ Plan đã bồi dưỡng cho các trưởng nhóm.
Đến nay, chương trình đã đào tạo được gần 300 trưởng nhóm nông dân, đó là một mạng lưới được đào tạo bài bản về kỹ thuật, các kiến thức về kinh tế của dự án để bắt tay vào thực hiện nông nghiệp tái sinh thông qua việc thúc đẩy các mô hình xen canh hợp lý, quản lý cỏ dại tổng hợp, giảm lượng nước tiêu thụ trong tưới tiêu và tối ưu hóa việc sử dụng phân bón bằng cách đưa vào sản xuất phân bón hữu cơ làm từ vỏ và bã cà phê...
Phát triển bền vững không chỉ là điều nên làm mà là điều chúng ta cần làm nếu có đủ khả năng. Đây cũng là điều chúng ta bắt buộc phải làm nếu muốn thành công. Và chúng ta hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.
Ông Binu Jacob - TGĐ Nestlé Việt Nam
Bất kể quy mô hay nguồn lực của doanh nghiệp, để phát triển bền vững, trước hết và quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin và phải cam kết hành động, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội.
Doanh nghiệp cần có các cam kết bền vững cụ thể dựa trên đặc điểm của ngành, mô hình và các ưu tiên hoạt động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình cụ thể với các bộ mục tiêu và chỉ số đo lường để theo dõi việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu và cam kết. Hiện có những dấu hiệu tích cực, đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn đến phát triển bền vững; và có những diễn đàn để doanh nghiệp có thể cùng chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Ông có kiến nghị gì cho Chính phủ để có thể thúc đẩy kinh doanh bền vững mạnh mẽ hơn tại Việt Nam trong thời gian tới?
Giải quyết tác động môi trường, kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu đòi hỏi một sự chuyển đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Để làm được điều này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng và tiên quyết, đặt biệt trong việc định hướng, xây dựng chính sách, lãnh đạo và có các cam kết lâu dài. Hiện nay, Chính phủ đã và đang xây dựng và hoàn thiện các hành lang pháp lý có liên quan, đồng thời có những cam kết mạnh mẽ như đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chính phủ Việt Nam đã cho thấy mục tiêu rõ ràng, đó là sự theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm.
Để có thể thúc đẩy kinh doanh bền vững và mạnh mẽ hơn, Chính phủ cần có sự hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Có các chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, gồm cả tiếp cận công nghệ xanh, nguồn vốn xanh, cũng như các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp tiên phong áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất bền vững.
Bảo đảm tính ổn định, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất của chính sách; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy rõ ràng tầm quan trọng của vấn đề này.
Mạnh dạn thí điểm, triển khai các chính sách, giải pháp phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững trên nguyên tắc bám sát tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!