Hướng đi nào để “mở khoá” du lịch nông thôn phát triển bền vững?

Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú mà không cần phải đầu tư nhiều, đây là tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch nông thôn…
du lịch nông thôn
Đưa du lịch nông thôn thành định hướng quan trọng. Ảnh minh hoạ

Báo cáo tại Hội nghị Giải pháp phát triển và Xúc tiến đầu tư: Bất động sản du lịch nông nghiệp cho biết, Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp chiếm tới gần 85%, với nhiều điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh... khác nhau. Thêm vào đó là các giá trị văn hóa vật thể/phi vật thể dân gian như lễ hội, phong tục tập quán... và đặc biệt là người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình là tiền đề rất quan trọng để thu hút du khách đến với du lịch gắn nông thôn.

"Cờ" đã đến tay

Sau đại dịch Covid-19, xu hướng của khách du lịch đã có những sự thay đổi nhất định, khi du khách quan tâm nhiều hơn đến du lịch xanh, thân thiện với môi trường,... Từ đó, du khách có xu hướng tìm kiếm các điểm du lịch có không gian, dễ tiếp cận và an toàn. Các tiêu chí này hoàn toàn phù hợp với các điểm đến du lịch nông thôn vốn có đặc trưng với không gian rộng rãi, trong lành, các hoạt động trải nghiệm gần gũi thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam - một nơi hội đủ yếu tố để phá triển du lịch nông thôn, những loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, thiếu bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. 

Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội - chia sẻ, loại hình du lịch nông nghiệp được quy định trong Luật Du lịch năm 2017 còn khá mờ nhạt. Hoạt động du lịch nông nghiệp được lồng ghép, ẩn chứa trong các quy định chung về du lịch. Chưa quy định về chiến lược tổng thể, dài hạn về phát triển du lịch nông nghiệp. Loại hình du lịch nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể trong các quy định về tài nguyên du lịch, về hoạt động du lịch; thiếu cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp,…

Tuy nhiên, hiện tại, theo TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD cho biết, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã xác định phát triển du lịch nông thôn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân.

Theo đó, chương trình tập trung vào các nhiệm vụ gồm nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; tăng cường xúc tiến quảng bá cho du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

Việc triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả với kỳ vọng tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, thực sự trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề.

4 định hướng mở đường

Từ những thuận lợi trên, trong quá trình phát triển, ngành du lịch nông nghiệp đã đạt được một số thành quả nhất định, tính đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận, và gần 1500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp.

Tuy nhiên, để phát triển du lịch nông thôn bền vững, tận dụng các tiềm năng, cơ hội, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái, du lịch nông thôn cần có những hướng đi phù hợp để đẩy mạnh phát triển.

du lịch nông thôn
Du khách có xu hướng đi theo gia đình, nhóm nhỏ. Ảnh minh hoạ

Theo ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, ngành cần quan tâm tới 4 định hướng cụ thể.

Thứ nhất, tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào.

Bên cạnh đó, ngành nên ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách.

Thứ hai, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới…

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần, nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động du lịch nông thôn, cải thiện kỹ năng phục vụ, quản trị, năng lực tự chủ và thích ứng với yêu cầu mới về chuyển đổi số và định hướng thị trường để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu.

Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu, trong đó có thị trường khách du lịch nội địa. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông thôn có dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, có sự kết nối với các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM… luôn duy trì được lượng khách cao, doanh thu tốt, trong đó phần lớn là khách du lịch nội địa. Các doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường để thu hút khách du lịch về nông thôn.

Thứ tư, hướng tới tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại khu vực nông thôn, hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao. Ngoài ra, địa phương nên chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.

“Với những cơ hội, tiềm năng, định hướng này, tôi tin tưởng rằng du lịch nông thôn sẽ có những bước phát triển quan trọng, tạo ra những điểm đến, những sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, có bản sắc riêng phù hợp với thị trường mục tiêu đồng thời đóng góp tích cực, đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân khu vực nông thôn, xây dựng một diện mạo nông thôn văn minh, thân thiện”, Phó Vụ trưởng đánh giá.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm