Doanh nghiệp tư nhân, bức tranh nhiều mảng sáng

Tình hình kinh tế cả nước đang chuyển biến theo hướng khả quan hơn qua từng tháng, từng quý. Kết quả sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp (DN) dân doanh 8 tháng qua đã đóng góp không nhỏ vào việc
Doanh nghiệp tư nhân, bức tranh nhiều mảng sáng

Gia tăng lượng và chất

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với quá trình tái cấu trúc DN nhà nước, khu vực DN tư nhân trong nước ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. DN tư nhân đang gia tăng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Con số 110.000 DN gia nhập thị trường năm 2016, tăng 16% so với năm 2015, đã thiết lập kỷ lục từ trước đến nay là minh chứng điển hình.

Kỷ lục của năm 2016 đã tạo đà cho việc gia tăng số lượng DN gia nhập thị trường trong 8 tháng năm 2017. Từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, đã có khoảng 85.357 DN được “khai sinh”, với tổng vốn đăng ký là hơn 822 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% về số DN và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, nếu tính cả trên 1.100 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký của gần 24,7 nghìn DN tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2017 ước đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng – một con số ấn tượng cho thấy việc huy động vốn xã hội cho sản xuất, kinh doanh đang trên đà tăng trưởng.

Dấu hiệu tích cực còn đến từ số lượng DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng qua với hơn 19 nghìn DN, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này góp phần nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên hơn 104,5 nghìn DN.

Những con số trên mặc dù ấn tượng nhưng không bất ngờ. Một khảo sát của Tổng cục Thống kê được công bố mới đây cho biết, có 43% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2017 tốt hơn quý trước; hơn 52% số DN đánh giá xu hướng tốt lên trong quý III và sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong quý IV.

Đáng chú ý là việc đa số các DN đều có chung nhận định, chính khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố tác động mạnh đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Diễn biến tích cực này được đánh giá là rất có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ, các địa phương đang vào cuộc, tập trung hỗ trợ, phục vụ DN với tinh thần cao nhất.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, mức vốn đăng ký bình quân của một DN trong 8 tháng qua tăng khá cao (9,6 tỷ đồng/DN, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2016), nhưng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới lại giảm 4,1%, là chỉ báo tốt cho thấy DN đã bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, không phải sử dụng nhiều nhân công. Đây là sự thay đổi tích cực cho thấy các DN đang dần nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, ông Nam nhấn mạnh, số lượng DN gia nhập thị trường trong 8 tháng qua tăng là một tín hiệu tốt cho thấy môi trường cạnh tranh đang được từng bước cải thiện. Thời gian qua, Chính phủ đã làm rất nhiều việc cho DN và cộng đồng DN đang rất phấn khởi, tiếp tục trông chờ những giải pháp hỗ trợ DN phát triển của Chính phủ sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Rào cản còn đó

Những dấu hiệu tích cực đã được ghi nhận, tuy nhiên theo các chuyên gia, thực trạng “sức khỏe” của một bộ phận DN quy mô nhỏ đang có biểu hiện “mệt mỏi” sau khi gia nhập thị trường cũng cần được quan tâm hơn. 8 tháng qua, đã có hơn 7,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, các DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm tới 92,2% (gần 7,2 nghìn DN).

Việc DN rút khỏi thị trường, theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân không thể phủ nhận là do các điều kiện kinh doanh còn gây khó khăn cho DN và quyền hành xử của cơ quan công quyền vẫn tạo ra chi phí lớn khiến DN không thể vượt qua.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển và hoạt động của DN. Hệ quả của vấn đề này là làm nảy sinh những bất lợi cho hoạt động kinh doanh như hạn chế cạnh tranh, gia tăng chi phí.

Chính vì vậy, để phát triển khối DN tư nhân, đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, cần xóa bỏ mọi định kiến, rào cản, cải cách mạnh các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; đồng thời, hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Một điều quan trọng nữa là các cơ quan quản lý cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, Luật DN và các luật liên quan nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ.

Từ góc nhìn của DN, đại diện VCCI cho rằng, nên tạo điều kiện để DN phát triển sản xuất kinh doanh bằng các đòn bẩy kinh tế chứ không nên bằng mệnh lệnh hành chính.

Ngoài ra, hiện tại các DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như: tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường…, Nhà nước cần tạo điều kiện để các DN này có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi và được hưởng cơ chế thông thoáng trong hoạt động kinh doanh.

Theo Baodauthau.vn

Có thể bạn quan tâm