Doanh nghiệp tư nhân “mơ” được vay vốn như “ông lớn”

Tín dụng không chỉ bị siết chặt hơn mà còn “đổ” dồn vào cho vay các doanh nghiệp, tập đoàn lớn làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Lãi suất vay dù giảm đáng kể song vẫn còn khá
Doanh nghiệp tư nhân “mơ” được vay vốn như “ông lớn”

Nguồn tín dụng ngân hàng chảy vào khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn hạn chế 

Đứng trước sự sống còn của doanh nghiệp, không ít người lãnh đạo đã chấp nhận trả chi phí lãi suất cao hơn để tiếp cận được nguồn vốn, thậm chí cũng phải “nhờ cậy” tới nguồn tín dụng đen để giải quyết bài toán căng thẳng vốn ngay tức thời.

Đau đầu tìm vốn

Đa phần các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo số liệu VCCI công bố cuối năm 2016, chỉ có khoảng 30 - 40% DNTN tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, trong khi đó có tới 80% DNNN dễ dàng được ngân hàng cho vay. Do nguồn lực tài chính hạn chế nên cơ hội càng hẹp hơn cho các DNTN có thể mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất cũng như nâng cấp công nghệ hiện đại, nhân lực…

Trong giai đoạn 2012-2014, nhiều ngân hàng dư thừa nguồn vốn, tín dụng tăng trưởng thấp thì các DN cũng không dễ vay được tiền. Có nhiều nguyên nhân khiến ngân hàng siết chặt cho vay, đơn cử như: các DNTN, DN vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được nguồn thu nhập ổn định để trả nợ, uy tín và thương hiệu của DN chưa cao… Với quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, doanh thu thấp nên các ngân hàng cũng kém mặn mà cho vay hơn.

Về phía các DN, quy trình thủ tục vay vốn phức tạp khiến DN có tâm lý e ngại vay ngân hàng. Đặc biệt, mức lãi suất vay mặc dù đã giảm rất mạnh song nhiều DN vẫn cho rằng chi phí vốn (gồm lãi suất và chi phí phát sinh khác) hiện còn khá cao, khiến cho gánh nặng lãi vay sẽ “bào mòn” lợi nhuận của DN.

Nhiều năm qua, Công ty CP Thuý Đạt (Nam Định) luôn có đơn hàng dệt may xuất khẩu đều đặn, có nguồn thu ổn định và nhất là thu bằng ngoại tệ. DN này cũng là khách hàng tiềm năng được nhiều ngân hàng chào mời cho vay với lãi suất ưu đãi. Theo ông Nguyễn Văn Châu- TGĐ công ty Thuý Đạt, các DN đều phải sử dụng nguồn vốn tài trợ của ngân hàng. Với DN làm hàng gia công xuất khẩu, họ phải vay vốn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu nhưng mức lãi vay ngoại tệ ở ngân hàng trong nước hiện vẫn cao hơn lãi suất vay ngân hàng ở nước ngoài.

“Nếu lãi suất cho vay có thể tiệm cận mức lãi suất như của các ngân hàng nước ngoài cho DN của họ vay thì sẽ kích thích DN tăng đầu tư, mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ… Đồng thời, chi phí lãi vay giảm bớt sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, từ đó hàng hoá xuất khẩu của DN Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới”, ông Châu chia sẻ.

Ở lĩnh vực bất động sản, một chủ đầu tư vừa tham gia liên doanh đầu tư dự án cao ốc ở Hà Nội, có quy mô vốn 1.400 tỷ đồng chia sẻ: “Phía ngân hàng đã cam kết sẽ cho công ty vay hơn 65% nhu cầu vốn của dự án, song cam kết chỉ có hiệu lực thực thi khi dự án được khởi công. Điều này có nghĩa là chúng tôi phải xoay sở đủ phần vốn tự có cho giai đoạn đầu, sau đó ngân hàng mới xem xét cấp tín dụng”. Hơn nữa, theo chủ đầu tư này, trong giai đoạn đầu triển khai dự án, DN cũng chưa thể huy động vốn của khách hàng mua nhà cùng với nguồn lực hạn chế thì khả năng thuyết phục ngân hàng tài trợ vốn càng khó khăn hơn.

Chi phí lãi vay “đắt đỏ”

Theo các DN, điểm khó khăn nhất là chi phí vốn vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành sản xuất. Mặt bằng lãi suất trong năm 2016 và quý 1/2017 đã giảm đáng kể, hiện ở mức 8-11%/năm (tuỳ vào thời hạn vay và mức độ rủi ro của khoản vay do ngân hàng đánh giá, thẩm định). Tức lãi suất vay đã giảm gần một nửa so với giai đoạn tín dụng tăng trưởng nóng năm 2010-2011. Song, với quy mô vay vốn lên tới vài nghìn tỷ đồng thì gánh nặng trả lãi vay càng lớn.

Thị trường năm qua có lẽ không khỏi giật mình với gánh nợ vay “khủng” của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đến cuối năm 2016 lên tới 27.366 tỷ đồng, trong đó chiếm tới 76% là nợ vay dài hạn ngân hàng và trái phiếu. Số tiền lãi vay phải trả cho các ngân hàng gồm BIDV, Eximbank, ACB, Sacombank, VPbank… có thời điểm lên tới 5,6 tỷ đồng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, theo các DN, áp lực chi phí vốn không chỉ thể hiện ở số tiền lãi suất trên hợp đồng tín dụng, mà còn là những khoản chi phí “không tên” để được duyệt vay, tăng hạn mức tín dụng, ưu đãi lãi vay… mà hiếm DN muốn chia sẻ.

Thậm chí, trong một cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ vừa qua, một số DN ở Hải Phòng đã than thở rằng: để cứu DN thì họ đã phải chấp nhận vay “tín dụng đen” khi bị ngân hàng từ chối. Nhưng, họ- DN vừa và nhỏ sẽ phải chịu mức lãi suất vay “nóng” lên tới 6% tổng số vốn đầu tư, cao gấp nhiều lần mức lãi suất vay của các DN lớn cũng ở thị trường tín dụng đen này. Đã có những hệ luỵ đáng buồn khi DN vay tín dụng đen bị mất cân đối tài chính, không đủ sức trả nợ dẫn tới bị thua lỗ, phá sản.

Một điểm nữa, theo các DN thì rất cần chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để từ đó DN xác định chiến lược đầu tư phù hợp, lựa chọn giải pháp huy động vốn hợp lý. Bởi nếu chính sách thay đổi "chóng mặt", các DN sẽ không kịp "trở tay".

Hải Hà

>> Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ 1.400 tỷ đồng, “đảo nợ” trái phiếu 12 nghìn tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...