Đội ngũ doanh nhân hiện nay là các doanh nhân thời kỳ đổi mới

Chiều 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10)…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân tại buổi gặp mặt
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các doanh nhân tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công có thể gọi đội ngũ doanh nhân hiện nay là các doanh nhân thời kỳ đổi mới. Niềm vui lớn đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp để phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta”, ông Công cho biết.

Còn ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhận định, sau 30 năm đổi mới, lực lượng doanh nhân đã trưởng thành nhiều, có nhiều kinh nghiệm, có rất nhiều doanh nhân tài ba.

Doanh nhân hiện nay có ý thức xã hội nhiều hơn, có lòng yêu nước và mong muốn đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước. Việc đóng góp nhiều này chắc chắc ở quy mô lớn. Rất nhiều doanh nhân mong muốn cùng nhau hợp tác thành những tập đoàn kinh tế lớn, làm ăn bài bản, có thể đóng góp nhiều dự án lớn cho đất nước.

Qua đây ông Đoàn cũng bày tỏ, trước đây mô hình kinh tế tư nhân lớn có thể chưa chín muồi, nhưng bây giờ khi cơ hội đến Việt Nam rất lớn, những hợp tác song phương rất lớn, những hiệp định thương mại tự do, các đối tác chiến lược đa dạng hơn, là thời điểm chín muồi để Chính phủ có thể cân nhắc để xây dựng các tập đoàn nhà nước và tư nhân.

Tất cả các tập đoàn nhà nước hay tư nhân đều có trách nhiệm thực hiện, hoàn thành được chiến lược quốc gia. Nên tổ chức các tập đoàn kinh lớn để thực hiện. Chắc chắn là Nhà nước hay tư nhân thì vẫn phải chịu sự giám sát của Nhà nước, để đảm bảo phát triển một cách công bằng.

“Doanh nhân Việt Nam và con người Việt không hề thua kém bản lĩnh với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Họ không chỉ có khát vọng làm giàu cho riêng mình mà còn có khát vọng làm giàu cho đất nước, dân tộc cường thịnh, sức mạnh kinh tế và nguồn lực của mỗi quốc gia. Các doanh nghiệp hàng đầu sẽ quyết định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ thêm

Phát biểu kết luận buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xin chuyển lời thăm hỏi, lời tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị Quyết 41 ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với nhiều điểm mới trên tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và làm điểm tựa cho doanh nhân Việt Nam.

Thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tinh thần là "hạ tầng thông suốt, chính sách thông thoáng, điều hành thông minh".

Chính nhờ quan điểm và đường lối đúng đắn trong đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và đội ngũ doanh nhân để "... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định.

Sau hơn 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 409 tỷ USD, tăng khoảng 51 lần (GDP năm 1986 đạt khoảng 8 tỷ USD). Đặc biệt, giai đoạn 1986 – 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới.

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới. Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 431 tỷ USD năm 2022 và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.

Thủ tướng cho biết, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

"Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngày 10/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bộ Chính trị đánh giá, đội ngũ doanh nhân Việt đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Mặt khác, một bộ phận doanh nhân còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Vì thế, tại Nghị quyết 41 vừa ban hành, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tới 2030 Việt Nam phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ; nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu và làm chủ một số chuỗi giá trị công-nông nghiệp.

Đến năm 2045, doanh nghiệp Việt phải có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.

"Tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ, lĩnh vực mới cần được khơi dậy. Chính sách đưa ra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao cạnh tranh, năng lực sản xuất trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn", Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu.

Để có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tầm thế giới trong bối cảnh mới, Nghị quyết Bộ Chính trị đưa ra loạt nhiệm vụ, như chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc, có quy mô lớn và dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng đó, chính sách cần được hoàn thiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng; bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Cũng theo Nghị quyết, các khuôn khổ pháp luật phải đảm bảo ổn định, thống nhất và minh bạch, nhất là trong tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính; thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, và kiểm soát, xóa bỏ độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước, cán bộ công chức phải công khai, minh bạch, và có cơ chế ngăn ngừa, xử lý hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực với doanh nghiệp, doanh nhân.

Nhiệm vụ nữa được Bộ Chính trị nêu là hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.

Có thể bạn quan tâm