Đây là một trong những nội dung được quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ.
Sửa đổi là cấp thiết
Theo Bộ Tài chính, ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP nhằm hướng tới sự phát triển trung, dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 65 ra đời, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến bất lợi và phức tạp. Ngân hàng Nhà nước đã phải điều hành chính sách tiền tệ tương ứng với tình hình mới.
Thanh khoản của nền kinh tế bị hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 10 đến đầu tháng 12/2022, người dân có xu hướng rút tiền khỏi các kênh đầu tư và quay trở lại gửi tiền tại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, thanh khoản và khả năng huy động vốn của doanh nghiệp giảm mạnh. Trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chịu tác động mạnh từ các diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ và thanh khoản của doanh nghiệp phát hành.
Nhìn chung, Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có 4 vấn đề nổi bật: (i) khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; (ii) cầu đầu tư trái phiếu, đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân sụt giảm kể từ sau các vụ việc xử lý Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát; (iii) khối lượng mua lại trước hạn tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; (iv) khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán cùng các nghĩa vụ nợ đến hạn.
Đánh giá việc quan trọng nhất là phải lấy lại niềm tin và thanh khoản của thị trường, thời gian qua Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp. Riêng về vấn đề pháp lý, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng một số quy định tại Nghị định 65 cho phù hợp bối cảnh hiện nay.
Được thanh toán bằng tài sản khác
Nội dung nổi bật được Bộ Tài chính đề xuất là việc để doanh nghiệp phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành vẫn phải đàm phán với trái chủ theo các nguyên tắc như tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu doanh nghiệp chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
“Cơ sở của quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bộ Tài chính cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định quy định này”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Ngoài ra, dự thảo mới quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn, tối đa 2 năm; bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư này.
Tạm dừng tiêu chuẩn chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm
Đáng chú ý, dự thảo cũng cho phép ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định tại Nghị định số 65 đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân (chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp); quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu từng đợt phát hành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết 31/12/2023 theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính song chưa đáp ứng được điều kiện của Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Tài chính trình Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án, gồm cả phương án hoãn một năm như dự thảo và phương án tiếp tục thực hiện theo Nghị định 65.
Tuy vậy, trên cơ sở các bộ, ngành, Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiêng về phương án 1 nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023-2024. Tức giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Với xếp hạng tín nhiệm, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp, ngoài ra trên thị trường hiện nay mới có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp phép, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép ngừng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 1/1/2024 sẽ thực hiện quy định này. Dù vậy, Bộ vẫn khuyến khích doanh nghiệp chủ động tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023. Việc hoãn quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu mỗi đợt từ 90 ngày xuống 30 ngày cũng với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian cân đối, huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ trả nợ.