PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trả lời về những vấn đề của 4.0 với Việt Nam trong thời gian tới.
Cảnh báo năng lực tiếp cận
Là một trong rất ít chuyên gia đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu sâu và liên tục đưa ra những cảnh báo rủi ro, thách thức đối với Việt Nam trước sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông có thể mô tả thực trạng 4.0 và những vấn đề đi kèm đến thời điểm hiện nay với kinh tế Việt Nam?
Với 4.0, những rủi ro và mô thức cạnh tranh sẽ có sự thay đổi rất mạnh mẽ trên toàn tuyến khi cuộc cách mạng này làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và quan hệ với nhau. Thực sự mà nói chúng ta đến nay cũng chưa thể hình dung ra sự thay đổi sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, trong kinh tế, có một tác động gắn với hiệu ứng xã hội mà chúng ta có thể thấy chính là việc làm. Cái đơn giản nhất có thể thấy chính là việc robot sẽ thay thế người lao động. Những công việc đòi hỏi sự phức tạp, thao tác hóa tốt thì robot càng dễ thay thế. Đây là việc có thể thấy ngay ở Việt Nam mà chúng ta vốn hay khoe các ưu thế này từ nhiều năm nay khi thu hút các DN FDI. Những ưu thế này khi mất đi sẽ là đại họa rất lớn. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ in 3D cũng vậy. Với công nghệ này, không cần đến người lao động, chỉ cần máy móc.
Tuy nhiên, không chỉ có thách thức, 4.0 còn mở ra những cơ hội khác. Câu trả lời hiện chúng ta đang thiếu các công nhân máy tính, thiếu đội ngũ có khả năng sáng tạo, thiếu những dịch vụ cao cấp vốn đang có sự dịch chuyển, thay đổi mạnh mẽ. Những ngành nghề có thể thấy rõ sự phát triển như: sửa chữa điện tử, an toàn mạng và vô vàn việc khác nữa. Tuy nhiên, các ngành nghề này đòi hỏi năng lực khác.
Một thời đại lao động cần những năng lực này đang bị thay thế để chuẩn bị cho một thời đại mới với những năng lực mới. Tất nhiên có những năng lực cũ vẫn tiếp tục được duy trì như nông nghiệp. Nhưng làm nông nghiệp cũng sẽ chỉ cần rất ít người và sẽ phải thay đổi cách làm rất căn bản trong bối cảnh các công việc tưới, cấp nước đã được máy móc tự động thay thế.
Vậy theo ông, cơ hội hay thách thức sẽ lớn hơn đối với Việt Nam khi mà cũng có ý kiến “Việt Nam không có gì để mất” khi bước vào 4.0?
Cũng có nhiều cuộc tranh luận gần đây ở Việt Nam về việc cơ hội và thách thức, cái nào lớn hơn. Thực ra, hai cái bằng nhau. Với những DN trẻ, tiếp cận công nghệ thì cơ hội rất nhiều. Với DN truyền thống, thách thức là chắc chắn. Cá nhân không thay đổi được, công nghệ không thay đổi được, DN đó sẽ gặp khó. Có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng cũng có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành cũng có sự khác biệt giữa các DN. Tuy nhiên, việc thu hẹp có ý nghĩa tích cực là giúp đào thải các DN “lạc nhịp” công nghệ.
Về mặt xã hội, mỗi cá nhân sẽ cần một chi phí chuyển đổi. Nếu DN chỉ giữ được mỗi năng lực lắp ráp, ông sẽ chết. Muốn tồn tại, phải có năng lực chuyển đổi và phải trả chi phí. Khi bỏ những cái cũ, sẽ phải chấp nhận rủi ro mất việc, không có thu nhập trong khi rủi ro tạo ra nguồn tiền mới vẫn còn đó.
Việt Nam đang phải đối mặt với sự chuyển đổi. Sau này khi đã vào 4.0 thì sẽ không phải đối mặt với sự chuyển đổi đó nữa. Ông không có năng lực là tiêu. Đơn giản thế thôi. Còn giờ đang chuyển từ sản phẩm 3.0 sang 4.0 nên khác. Điều này rất quan trọng. DN sẽ phải bỏ gần hết để chuyển sang cái này. Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng nói: Sang 4.0 mình mất mát ít vì chỉ có người, nhà máy có gì đâu. Chi phí chuyển đổi ít nhưng năng lực chuyển đổi thấp. DN Việt có thể chuyển sang công nghệ số rất nhanh vì phải thanh lý máy móc này kia.
Nhưng điều đáng lo nhất chính là điều mình chưa hình dung được về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khi AI ngày càng thông minh, xử lý tình huống tốt hơn con người. Nếu AI nổi loạn thì sao? Thực tế đã từng có trường hợp máy móc “nổi giận” giết chết công nhân.
Với một xã hội phức tạp như vậy, quản trị thế nào? Chuyên gia thế giới đã đề cập đến việc tích hợp não người với trí tuệ nhân tạo để sinh ra siêu trí tuệ. Đây được coi là giải pháp duy nhất đúng nếu không loài người sẽ biến mất. AI cũng làm thay đổi các giá trị, thước đo truyền thống. Giờ người ta cũng chưa hình dung được hết hệ giá trị sẽ thay đổi thế nào. Nhưng chắc chắn đây sẽ là thời đại mọi thay đổi về luật lệ, phương thức thay đổi và cả rủi ro cũng thay đổi. Khi người lao động bị xa thải, máy móc thế nào, bảo hiểm xã hội thay đổi ra sao, nhiều vấn đề khác nữa cũng chưa ai tính được hết. Chưa kể những vấn đề liên quan đến tấn công mạng, tội phạm mạng, quản trị xã hội.
Liên quan kết nối số, Việt Nam đang đi chậm hơn so với các nước khác rất nhiều.
Nghe ông nói, như vậy 4.0 sẽ là một vấn đề rất lớn chứ không còn là những cảnh báo với kinh tế, DN Việt nữa?
Chúng ta ở trình độ rất thấp nên năng lực tổng thể, kể cả năng lực công nghệ, tài chính, con người hay năng lực quản trị xã hội, để bước vào cuộc cách mạng này là rất yếu. Nhưng chúng ta có điểm lợi là việc từ bỏ các di sản ít. Gánh nặng của quá khứ bị mất đi sẽ ít hơn. Giống như giải tỏa đền bù, di sản càng lớn thì số tiền đền bù bỏ ra càng nhiều. Những thách thức về năng lực xã hội, con người.
Lực lượng lao động xã hội nào đang đứng trước rủi ro? Chính là lực lượng không có năng lực, đang sống với những bộ máy, với năng lực cũ. Nhiều DN hiện rất ngại đưa các công cụ kiểm soát công khai, minh bạch vào. Lực lượng càng gắn với quá khứ cũ càng ngại tiếp cận. Lợi ích xã hội càng lớn, lực cản càng nhiều. Nhưng với các DN trẻ, việc tiếp cận sẽ rất nhanh.
Hiện việc cần làm là đào tạo nhân lực phải theo cách mới, theo cách khác hẳn. Chúng ta vẫn đang loay hoay cải cách cái cũ trong khi chỉ cần cải tiến sơ sơ còn cái chính là tạo ra một hệ năng lực, nhân lực hoàn toàn mới. Đây sẽ là các cơ hội cho DN.
Hiện Trung Quốc dù là nước đông dân nhất thế giới nhưng giờ họ đã trở thành một cường quốc công nghiệp về sản xuất robot. Họ nhận thấy đây là xu hướng không cưỡng lại được và đã thay đổi. Các robot sản xuất ra không chỉ thay thế các nhân công làm việc tại Trung Quốc mà còn được bán ra trên khắp thế giới. Họ cũng quyết tâm làm trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp vũ trụ hoặc lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Hiện việc cần làm là đào tạo nhân lực phải theo cách mới, theo cách khác hẳn. Chúng ta vẫn đang loay hoay cải cách cái cũ trong khi chỉ cần cải tiến sơ sơ còn cái chính là tạo ra một hệ năng lực, nhân lực hoàn toàn mới. Đây sẽ là các cơ hội cho DN.
Ông đã từng có nhiều nghiên cứu, tiếp xúc nhiều khối, ngành DN khác nhau, vậy tình hình cụ thể của các DN chúng ta đang ở mức nào và các DN sẽ phải thay đổi thế nào để bắt kịp sự chuyển đổi này?
Việt Nam hiện nay phần tầm nhìn mới chỉ dừng lại ở mức đại thể, chưa có một chương trình, chiến lược hành động nào thật sự rõ ràng. Điều chúng ta cần làm ngay là nhận ra những áp lực nhập cuộc 4.0 của Việt Nam để có đối sách phù hợp.
Áp lực đầu tiên chính là sự tụt hậu nhưng đi kèm yêu cầu phải hội nhập vào thế giới công nghệ cao để tồn tại. Đây là vấn đề lớn khi nhiều nghiên cứu cho thấy sẽ có tới 75% lao động trên thế giới sẽ mất việc làm trong vài thập niên tới. Việc Foxconn đã sử dụng tới 45.000 robot để thay thế toàn bộ lao động thông thường trong các công đoạn sản xuất của tập đoàn này đang là bài học rất rõ.
Còn theo nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) dự báo trong 2 thập niên tới, khoảng 56% lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ có nguy cơ mất việc vì robot. Báo cáo của ILO cũng cho thấy, 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ mất việc.
Cùng đó, dệt may và giày dép Việt Nam đang bị kẹt đồng thời về sự cạnh tranh của lao động giá rẻ từ các nước như Campuchia, Bangladesh hay Myanmar trong khi chi phí đầu tư robot và quá trình tự động hóa sản xuất đang ngày càng rẻ hơn. Đây là vấn đề rất lớn với Việt Nam khi các ngành này tạo ra khoảng hơn 3 triệu việc làm, chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động và tới 13,7% việc làm phi nông nghiệp.
Theo tôi biết, hiện nay, với các DN Việt, việc công nhân mất việc bởi robot là thực tế đang xảy ra tại nhiều công ty sản xuất mỹ nghệ ở Bình Dương. Có tới 90% công nhân đã phải nghỉ việc với lý do nhiều dây chuyền sản xuất chỉ cần vỏn vẹn 5 robot là đã vận hành ngon lành và đủ sức thay thế hơn 100 công nhân khi mỗi giờ một robot cho ra đời 500 sản phẩm với độ chính xác lên đến từng milimet.
Một số ngành tại Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực trước tác động của 4.0 có thể kể đến là nhóm ngành năng lượng (khai thác dầu, sản xuất năng lượng tái tạo) và vận tải (với sự xuất hiện của ô tô điện và các mô thức của kinh tế chia sẻ như Uber hay Grab Taxi)...
Đừng biến khởi nghiệp thành lập nghiệp
Như phân tích của ông, thách thức đối với Việt Nam như vậy khá lớn. Vậy phải làm gì để vượt qua những vấn đề trên?
Việt Nam nhận thức vấn đề rất nhanh nhưng có điểm là dù nhận thức nhưng không chịu làm ngay. Giờ cần có các hành động thiết thực, có chương trình hành động, phải làm ngay và tạo ra lực lượng hành động. Lực lượng hành động hiện cũng khác ngày trước và nếu làm có thể thành công. Chúng ta đang có kinh tế thị trường, đã mở cửa hội nhập, có điều kiện tiếp cận với thế giới. Đây là áp lực nhưng cũng là cơ hội. Nếu tinh thần cầu thị, mở cửa cho các công ty tài chính, công nghệ vào. Mình đi sau, khi mở cửa cần khôn ngoan, hạn chế các công nghệ “giẻ rách”, lạc hậu.
Người Việt Nam rất giỏi và có khả năng tiếp cận toán. Trong bối cảnh công nghệ số, đây là lợi thế không thể phủ nhận.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là lực lượng chủ đạo để tiếp cận 4.0- lực lượng DN. Giờ câu chuyện khởi nghiệp của DN cũng phải khác. Đừng biến khởi nghiệp thành lập nghiệp. Tinh thần khởi nghiệp là tốt nhưng ngoài tinh thần, cần có sự sáng tạo, đổi mới, và khái niệm công nghệ mới. Mọi thứ đều phải trên nền đổi mới, sáng tạo. Phải có những trung tâm hỗ trợ đổi mới, sáng tạo đi cùng một môi trường khuyến khích người sáng tạo. Cần môi trường cạnh tranh. Cũng đừng nghĩ cái gì quá cao siêu.
Ở các nước, thậm chí, để khuyến khích DN phát triển, họ còn treo thưởng. Đừng hỗ trợ trước cho DN. Có sản phẩm thì mới hỗ trợ, khuyến khích DN. Mới lập trung tâm, DN chưa gì đã cho tiền thì họ không làm nữa. Cần khuyến khích người thắng cuộc thay vì chọn người thắng cuộc như hiện nay. Trong vô số trung tâm, giờ chọn vài ba trung tâm để hỗ trợ, như vậy không công bằng. Phải kéo các DN đổi mới, sáng tạo gắn với khởi nghiệp.
Cần đi theo hướng quốc gia lập nghiệp và bán nghiệp như của Israel. Tức là phát triển DN và sau đó bán DN. Lập DN bao giờ cũng là khuyến khích ý tưởng sáng tạo.
Nhiều chuyên gia cũng từng cảnh báo về việc nếu Việt Nam mãi đi theo con đường làm gia công, nền kinh tế không thể phát triển nhanh hoặc có sự bứt phá. Vậy theo ông cần phải làm gì để gia tăng số lượng DN khoa học công nghệ?
Nhìn tổng thể so với các nước, Việt Nam ít khuyến khích các DN đầu tư vào khoa học công nghệ hơn. Các DN cũng vậy, chỉ thích làm những ngành dễ, khai thác tài nguyên để phát triển, sử dụng lao động rẻ tiền cũng như những ngành cần bơm nhiều vốn để phát triển. Đây là vấn đề rất nguy hiểm cần xem xét lại.
Cần nhìn ra vấn đề một cách tổng thể để thay đổi. Vấn đề nữa là hiện nhiều DN không có động cơ thị trường, cứ hoạt động bám vào các DNNN. Với cả một cấu trúc kinh tế không khuyến khích đổi mới sáng tạo, không khuyến khích cạnh tranh, xuất khẩu, đi vào công nghệ như vậy thì rất khó có thể giải quyết.
Để làm được, bên cạnh việc thay đổi phương thức quản trị quốc gia, việc tạo dựng hệ thống sáng tạo quốc gia lấy DN làm trung tâm và thay đổi hoàn toàn hệ thống giáo dục đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực mới là việc cấp thiết trước “cơn lũ” thay đổi của 4.0.
“Để khởi nghiệp sáng tạo thành công, cần có một môi trường cạnh tranh bình thường, đàng hoàng. Còn cứ ưu tiên cho ông này, có nghĩa ông khác sẽ chết. Để hỗ trợ, chỉ cần một môi trường bình thường, tất cả bình đẳng, công khai, minh bạch là đủ. Giờ chúng ta có một môi trường toàn bằng cấp nhưng đổi mới sáng tạo ở đâu? Ai hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo? Doanh nghiệp Nhà nước không làm được. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ chính sách. Đừng có vừa mới lớn đã tìm cách đánh thuế”.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Vậy vai trò của khởi nghiệp trong 4.0 sẽ ra sao?
Thực ra bản chất của đổi mới sáng tạo bắt đầu từ không có cái gì. Trong 4.0, nguyên tắc trò chơi rất sòng phẳng, đàng hoàng. Với Việt Nam, cần có những nhà đầu tư thiên thần (nhà tài trợ) biết chọn, khuyến khích, nâng đỡ, tạo điều kiện nhưng cũng biết ràng buộc các DN trong cuộc chơi phát triển.
Hiện Việt Nam có quá ít nhà đầu tư lớn nên khởi nghiệp sẽ là điều không dễ dàng. Khi đó sẽ cần đến các hội DN, gắn liền và tạo ra các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trên tinh thần chiến đấu vì quốc gia. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các DN khởi nghiệp, khối các DNNN cũng sẽ phải thay đổi. Hy vọng chúng ta sẽ không bỏ lỡ chuyến tàu phát triển lần này.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong