Theo đó, tại nhóm “big 4” Vietinbank tiếp tục đề nghị giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, phương án cụ thể về cổ tức vẫn chờ thực hiện theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Một ông lớn khác là Vietcombank cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ, trước mắt phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của NHNN. Vốn điều lệ sau chia cổ tức dự kiến tăng thêm 6.675 tỷ đồng lên 43.764 tỷ đồng.
Cần phải nhắc lại là “big4” trong nhiều năm trước đây đều thuộc diện bắt buộc phải chia cổ tức bằng tiền mặt trong khi hầu hết các ngân hàng nhóm này đều có mong muốn được giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Như vậy, diễn biến hiện nay được cho là “đúng ý” nhóm nhà băng vốn đang loay hoay với Thông tư 41/2016/TT của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II (hiệu lực từ 1/1/2020).
Ở nhóm các ngân hàng TMCP hàng loạt kế hoạch tăng vốn cũng vừa được thông qua tại mùa ĐHĐCĐ vừa qua. Cụ thể, trong năm nay MB thực hiện phương án tăng vốn điều lệ từ 24.370 tỷ đồng lên 27.987 tỷ đồng (tăng thêm 3.617 tỷ đồng) – lọt top các ngân hàng có vốn cao nhất hệ thống, chỉ sau BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank và Agribank.
Trong khi đó, HDBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 9.810 tỷ đồng (ngày 30/4/2020) lên hơn 16.088 tỷ đồng; SHB dự kiến tăng vốn lên 19.313 tỷ đồng; TPBank cũng quyết tâm tăng vốn theo kế hoạch từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng; VIB trình phương án tăng vốn điều lệ từ 9.245 tỷ đồng lên 11.094 tỷ đồng; NamABank tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên hơn 7.000 tỷ đồng vốn điều lệ...
Để thực hiện được các kế hoạch tăng vốn này, các ngân hàng TMCP cũng đồng loạt chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao hoặc giữ lại cổ tức để tăng vốn.
Theo đó, TPBank, VIB thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%; HDBank phát hành cổ phiếu thưởng và chia cổ tức tổng tỷ lệ 65%; ACB trả cổ tức 30% bằng cổ phiếu; MB chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15%; SHB đã thông qua phương án tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%; OCB chia cổ tức với tỷ lệ 25-27%, cộng với việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài Aozora, Nhật Bản, nhà băng này dự kiến tăng VĐL lên hơn 11.275 tỷ đồng. Trong khi đó, ABBank, Techcombank đề xuất giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Về lý do cấp tập tăng vốn, trong tờ trình cổ đông tại các ĐHĐCĐ vừa qua, lãnh đạo ngân hàng đã nêu rõ sự cần thiết của việc này. Đầu tiên là để đáp ứng yêu cầu của NHNN về nâng cao năng lực tài chính, tạo nền tảng phát triển mạng lưới, mở rộng thị phần tín dụng và quy mô kinh doanh, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng.
Tiếp theo đó là đảm bảo tuân thủ, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro theo Basel II; bổ sung vốn trung, dài hạn trong hoạt động theo lộ trình tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm dần về mức 30% trong năm nay; đầu tư hệ thống hạ tầng, xây dựng trụ sở hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ hoạt động kinh doanh.
Thực tế, trong năm 2019 ngành ngân hàng tiếp tục gặt hái được thành công trong kinh doanh khi thu về các khoản lợi nhuận “kếch xù” nhưng bước sang năm 2020, tình hình kinh doanh không còn thuận lợi do tác động của dịch Covid-19 đối với cầu tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận nắm chắc sự sụt giảm.
Tuy nhiên, điều này chỉ mang đến tín hiệu vui cho ngành còn với cổ đông luôn mong mỏi lợi nhuận tiền mặt lại có thêm 1 năm không như ý mà không thể phản đối quyết định của ngân hàng.