Hàng loạt ngân hàng công bố giảm thêm lãi suất

Bắt đầu từ ngày 1/7/2020, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố giảm thêm lãi suất huy động và cho vay.
Hàng loạt ngân hàng công bố giảm thêm lãi suất

Đơn cử, BIDV công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, với mức giảm 2,5 - 3,0%/năm so thời điểm truớc Covid-19.

Agribank cũng vừa có thêm đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, từ ngày 30/6, Ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%/năm để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vay vốn tại Agribank chỉ phải trả lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 4,8%/năm; lãi vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay.

ABBank cũng vừa công bố lần thứ 3 giảm lãi suất gói vay cá nhân xuống còn từ 6,8%/năm từ thời điểm giữa tháng 6 cho khách hàng khi tham gia gói “Vay ưu đãi - Lãi an tâm”.

Trước đó, mức lãi suất ưu đãi của chương trình đã hạ từ 9,7%/năm xuống còn 8,5%/năm và 7,6%/năm. Ở gói “Vay kinh doanh - Phát tài nhanh” kéo dài đến hết 31/12 dành cho nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn kinh doanh, ABBank áp dụng mức lãi suất mới giảm từ 7,5%/năm xuống còn 7%/năm. 

Thực tế, làn sóng giảm lãi suất đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 5/2020, sau khi NHNN thực hiện 2 lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Theo đó, trong vòng hơn 1 tháng qua, rất nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Eximbank... đã giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1 - 0,5%/năm, tùy từng kỳ hạn. Bắt đầu từ ngày 30/6, Agribank giảm nhẹ lãi suất huy động một số kỳ hạn. Từ ngày 1/7, VPBank cũng giảm lãi suất tiết kiệm 0,1 - 0,2%/năm…

Đầu tháng 7 này, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng lớn giảm từ 0,2-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi giảm mạnh là do hệ thống ngân hàng đang "thừa tiền".

Bên cạnh đó, lãi suất huy động còn chịu sức ép giảm sau 2 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp; trong đó, mức trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng được giảm 0,6-0,75%/năm; giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Nhiều người nhận định mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sẽ thúc đẩy các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6-9%/năm với cho vay ngắn hạn; 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, nguyên nhân khiến ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay là do thanh khoản dồi dào, NHNN thường xuyên bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Hiện lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng chỉ dưới 0,2%/năm. Áp lực vốn thấp là lý do khiến lãi suất huy động giảm, kéo theo lãi suất cho vay giảm.

Trong khi đó, về phía ngân hàng thương mại, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho rằng, xu hướng lãi suất thời gian tới là sẽ giảm thêm, do tín dụng tăng thấp, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh, trong khi định hướng của NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chưa có số liệu chính thức, song theo ước tính của các chuyên gia, tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 3%. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%), song tín dụng chỉ tăng 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Tốc đố tăng trưởng huy động vốn tăng gần gấp đôi tốc độ tăng của tín dụng đã phần nào cho thấy tình trạng thừa vốn của ngân hàng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...