Duy trì chế độ kiểm soát môi trường đặc biệt tại Formosa Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải duy trì chế độ kiểm soát môi trường đặc biệt nghiêm ngặt tại nhà máy, bảo đảm không để xảy ra bất cứ sự cố môi trường nào. Nhà máy chỉ sản
Duy trì chế độ kiểm soát môi trường đặc biệt tại Formosa Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng kiểm tra bể nước thải sau xử lý. Hiện tại, doanh nghiệp đã cho thả cá vào bể, có camera theo dõi sức khoẻ đàn cá, truyền hình ảnh ra ngoài cổng nhà máy 24/24h để người dân giám sát. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tại Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hệ thống nước thải, lò cao, trung tâm điều khiển, dây chuyển sản xuất thép cuộn và cảng Sơn Dương. Sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc ngắn với lãnh đạo Nhà máy.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận việc Formosa nhận trách nhiệm xả thải gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, từ đó bồi thường, khắc phục hậu quả cũng như nỗ lực hoàn thiện các yêu cầu về công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.

Theo báo cáo, đến nay, công ty đã khắc phục được 52/53 hành vi vi phạm, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành bảo đảm điều kiện vận hành chính thức lò cao số 1. Cụ thể, đã lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động kết nối và truyền dữ liệu tự động về Sở TN&MT và Bộ TN&MT (Tổng cục Môi trường), gồm hệ thống quan trắc nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hóa (15 thông số quan trắc); hệ thống quan trắc nước thải tại xưởng xử lý nước thải công nghiệp (15 thông số); hệ thống quan trắc nước thải tại xưởng xử lý nước thải sinh hoạt (12 thông số); trạm quan trắc nước thải trước khi thải ra môi trường (16 thông số) và 20 hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục xung quanh khu vực 2 lò cao (8 thông số).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận việc thực hiện các giải pháp đáp ứng yêu cầu sản xuất theo mục tiêu mà dự án đã đề ra. Năm 2017 đã sản xuất được 2,2 triệu tấn thép, doanh thu trên 850 triệu USD; dự kiến năm 2018 sản lượng thép đạt 4,37 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" và yêu cầu Formosa tuân thủ tuyệt đối mọi yêu cầu, quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về kiểm soát môi trường, bảo đảm an toàn trong sản xuất, vận hành nhà máy.

“Phải duy trì chế độ kiểm soát môi trường đặc biệt nghiêm ngặt, bảo đảm không để xảy ra bất cứ sự cố môi trường nào. Nhà máy chỉ sản xuất nếu bảo đảm môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh khẩn trương hoàn thành tất cả các hạng mục kỹ thuật, khắc phục đầy đủ các vi phạm, đặc biệt khẩn trương hoàn thiện xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống chuyển từ dập cốc ướt sang dập cốc khô trước tháng 7/2019.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, quan tâm bảo vệ sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

“Formosa Hà Tĩnh cần quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, không chỉ nhà ở dạng ‘ký túc xá’ mà tiến tới xây dựng nhà ở cho hộ gia đình công nhân, với đầy đủ các tiện ích, bảo đảm chất lượng”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt, khoa học của các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố môi trường biển.

Phó Thủ tướng kiểm tra sơ đồ hệ thống xử lý nước thải. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục giám sát, phối hợp chặt chẽ với Formosa trong việc kiểm soát chặt, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất.

Bộ NN&PTNT chủ động, phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và 3 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển khôi phục sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp.

Bộ TN&MT tiếp tục theo dõi, đánh giá môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của Formosa Hà Tĩnh, không để xảy ra sự cố.

Formosa Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 9,9 tỷ USD (gồm kinh phí đầu tư Nhà máy thép và các hạng mục công trình cảng Sơn Dương, Nhà máy điện, các hạng mục Nhà hành chính, ký túc xá…).

Diện tích đất sử dụng khoảng 2.000 ha mặt đất và 1.300 ha mặt nước. Quy mô công suất thiết kế giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 đạt 15 triệu tấn/năm.

Lò cao số 1 của Formosa Hà Tĩnh đã bắt đầu chạy thử từ ngày 29/5/2017, qua quá trình điều chỉnh và thử nghiệm, đến tháng 12/2017 đã đạt công suất thiết kế là 9.135 tấn/ngày.

Năm 2017 tổng sản lượng thép đạt 1,6 triệu tấn, tiêu thụ đạt 1,37 triệu tấn, tổng kim ngạch tiêu thụ sản phẩm đạt 850 triệu USD, tỉ lệ tiêu thụ trong nước chiếm 85%, khách hàng chính trong nước bao gồm các doanh nghiệp gia công thép chủ yếu của Việt Nam như ống thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen...

Tính đến cuối tháng 4/2018, Formosa đã sản xuất được 1,05 triệu tấn gang lỏng, 1,04 triệu tấn thép thành phẩm.

Dự kiến năm 2018, nếu đưa lò cao số 2 vào vận hành, Formosa sẽ sản xuất khoảng 5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, đạt doanh thu khoảng 2,8 tỷ USD.

Phó Thủ tướng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Theo tính toán của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2017 tổng số thuế của Formosa đã nộp gần 2.500 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng số thu tại Chi cục Hải quan Hà Tĩnh. Dự kiến, nếu 2 lò cao cùng hoạt động ổn định thì sản lượng thép sản xuất tại Formosa sẽ đạt công suất 7-7,5 triệu tấn/năm; có thể đóng góp đến 1,27% vào GDP Việt Nam năm 2018.

Theo Chính phủ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...