Theo đó, mục tiêu quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I; công suất là 5 triệu hành khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm; loại máy bay khai thác là máy bay code F và tương đương trở xuống; số vị trí đỗ là 16 vị trí máy bay code C, D, E, F; Dự trữ đất mở rộng khi có nhu cầu và phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT II.
Đến năm 2030, điều chỉnh phân kỳ đầu tư một số hạng mục công trình như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình phía Tây của Cảng gồm: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác... đảm bảo đáp ứng yêu cầu khai thác 5 triệu hành khách/năm. Đối với các công trình quy hoạch mở rộng về phía Đông sẽ được xem xét, đầu tư xây dựng khi có nhu cầu.
Quyết định cũng nêu chọn phương án 2 trong hồ sơ quy hoạch mặt bằng chi tiết một số công trình phía Tây của Cảng trong giai đoạn đến năm 2030; bổ sung quy hoạch khu đậu biệt lập cho máy bay khi có sự cố xảy ra và khu xử lý bom mìn, vật nguy hiểm; quy hoạch khu phục vụ mặt đất gồm: Quy hoạch, xây dựng nhà ga hành khách T2 có công suất 5 triệu hành khách/năm tại khu đất quy hoạch nhà ga hàng hóa (vị trí sân đỗ số 2), có dự trữ quỹ đất để phát triển mở rộng khi có nhu cầu.
Các công trình phụ trợ (sân đỗ ôtô, bãi tập kết trang thiết bị mặt đất...) được quy hoạch, đầu tư đồng bộ với nhà ga hành khách T2.
Đối với Nhà ga hành khách hiện hữu, căn cứ nhu cầu thực tế sẽ xem xét việc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành nhà ga hàng hóa trong thời gian chưa xây dựng nhà ga hàng hóa theo quy hoạch.
Đối với việc quy hoạch các công trình phụ trợ, bổ sung quy hoạch các công trình và xây dựng khi có nhu cầu, gồm: Cảng vụ hàng không; Hải quan; Công an cửa khẩu; Đồn công an; An ninh hàng không; Kiểm dịch.
Bổ sung quy hoạch các công trình và xây dựng khi có nhu cầu, gồm: Khu đào tạo khẩn nguy cứu hỏa; Trung tâm đào tạo phi công; Khu đất dự phòng phát triển và đào tạo huấn luyện tại vị trí bên trái đoạn đầu đường trục vào Cảng từ phía đường ĐT620.
Bổ sung quy hoạch khu hàng không chung cạnh nhà ga hành khách T1 và sân đỗ máy bay; vị trí trực khẩn nguy, cứu hỏa, bãi tập kết và bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất tại các khu vực cạnh sân đỗ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, tiếp thu Báo cáo thẩm định để quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định; cập nhật các nội dung quy hoạch chi tiết nêu trên vào quy hoạch của địa phương, bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp nhu cầu phát triển của Cảng hàng không theo quy hoạch được duyệt.
Sân bay Chu Lai nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam, được khởi công xây dựng năm 2004. Một năm sau, ngày 22/3/2005, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đã hạ cánh xuống Chu Lai. Đây là sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam với 3.000 ha, đường băng dài hơn 3km.
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Bộ GTVT nâng cấp sân bay Chu Lai, theo đó đến năm 2025 trở thành Cảng hàng không quốc tế và trở thành trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước với công suất dự kiến 1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020 và 5 triệu tấn/năm và 4,1 triệu lượt hành khách/năm.
>> Đến năm 2025, tầm nhìn 2035 Quảng Nam sẽ có 92 cụm công nghiệp