EU, Anh, Canada, Mỹ quyết loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT

Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada vừa nhất trí sẽ loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống kết nối liên ngân hàng SWIFT.

Mới đây, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Canada và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, nói rằng họ có kế hoạch loại một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới tài chính SWIFT và sẽ thực hiện các hành động để ngăn ngân hàng trung ương Nga giải ngân hơn 600 tỷ đô la dự trữ nhằm hỗ trợ nền kinh tê.

Các tuyên bố chung tại Washington và Brussels vào ngày chủ nhật, 27/2 theo giờ Việt Nam - khi các lực lượng Ukraine và Nga tranh giành quyền kiểm soát thủ đô của Ukraine, Kyiv - đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cách phương Tây có thể linh hoạt sử dụng sức mạnh tập thể của mình. 

EU, Mỹ, Canada và Anh cũng sẽ nhắm mục tiêu vào ngân hàng trung ương của Nga để ngăn nước này triển khai kho dự trữ chiến tranh của mình. Theo một quan chức cấp cao của EU, ý tưởng sẽ là ngăn nước này bán tài sản nước ngoài lấy nội tệ để hỗ trợ các ngân hàng và công ty Nga bị trừng phạt. Điều đó có thể đóng băng một cách hiệu quả một phần lớn dự trữ của Nga ở nước ngoài.

Những khoản dự trữ này bao gồm vàng, trái phiếu, tiền gửi và chứng khoán bằng ngoại tệ là rất quan trọng đối với những nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn sự mất giá của đồng Rúp và làm chậm lạm phát trước sự suy yếu của đồng tiền.

Các động thái được công bố cũng bao gồm việc thiết lập một lực lượng đặc nhiệm để truy quét tài sản hữu hình của các công ty bị trừng phạt và các nhà tài phiệt Nga - bao gồm du thuyền, xe hơi sang trọng và nhà ở - cũng như nỗ lực hạn chế cái gọi là hộ chiếu vàng cho phép giới tinh hoa Nga mua quyền công dân ở các quốc gia khác.

Các biện pháp mới nhất là bộ lệnh trừng phạt thứ ba của phương Tây được ban hành để đáp trả cuộc đưa quân của Nga vào Ukraine.

Trong những ngày gần đây, Mỹ, Anh, EU và một số đối tác đã công bố các biện pháp trừng phạt một số ngân hàng Nga, cấm Nga bán nợ và cấm xuất khẩu một số công nghệ sang lĩnh vực năng lượng của Nga và các công ty chủ chốt khác. Họ cũng đã nhắm vào một số lượng lớn các quan chức Nga, các nhà lập pháp và giám đốc điều hành doanh nghiệp Nga.

Tuy nhiên, thông báo này còn để lại một số lỗ hổng. Đáng chú ý nhất, bằng việc loại một số chứ không phải tất cả các ngân hàng Nga ra khỏi SWIFT, EU đã giữ các kênh thanh toán mở để mua khí đốt tự nhiên của Nga, mà châu Âu vốn phụ thuộc nhiều bởi nhu cầu năng lượng của mình. Các biện pháp của Mỹ cũng đã tạo ra lỗ hổng cho việc mua dầu.

Một số nước như Đức và Ý không đồng tình với lựa chọn ngắt kết nối các ngân hàng Nga khỏi SWIFT. Các nhà phê bình lo ngại việc cắt đứt kết nối có thể gây ra những hậu quả không mong muốn, bao gồm việc làm phức tạp các khoản thanh toán năng lượng cho Nga và khiến các ngân hàng châu Âu phải hứng chịu rủi ro đối với các khoản tiền mà các công ty tài chính Nga nợ họ. Cũng có những lo ngại rằng điều này có thể khuyến khích mối quan hệ tài chính chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc.

Việc bị loại khỏi SWIFT sẽ làm phức tạp đáng kể hoạt động thương mại, đầu tư nước ngoài, kiều hối của Nga và việc quản lý nền kinh tế của ngân hàng trung ương nước này. Các ngân hàng Iran cũng đã bị EU trừng phạt, cắt đứt kết nối vào năm 2012.

SWIFT cho biết đang nghiên cứu các chi tiết và chuẩn bị để tuân thủ.

Người biểu tình tại Rome (Italia) kêu gọi loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT nhằm phản đối cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Một phần của cuộc tranh luận về việc loại Nga ra khỏi SWIFT liên quan đến việc làm thế nào để tiếp tục mở một số kênh tài chính để mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga nếu các ngân hàng Nga bị cắt đứt kết nối với các ngân hàng quốc tế. EU nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga. Ngoài ra còn có vấn đề về việc ngân hàng phương Tây tiếp xúc với Nga - số tiền nợ sẽ khó thu được nếu SWIFT ngắt kết nối.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng nước ngoài nắm giữ khoảng 121 tỷ USD tài sản nợ của các tổ chức của Nga.. Trong số đó, khoảng 14,7 tỷ USD là nợ các ngân hàng Mỹ. Một khoản lớn hơn, 25 tỷ USD là khoản nợ của ngân hàng Ý và Pháp.

Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp thay thế SWIFT có thể cho phép thanh toán ngay cả sau khi ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT. Fitch Ratings cho biết các ngân hàng có thể sử dụng các hệ thống nhắn tin khác - mặc dù kém hiệu quả hơn và đắt hơn - chẳng hạn như telex.

Bên cạnh đó, Nga cũng đã phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình. Mặc dù hiện chỉ có 23 ngân hàng nước ngoài kết nối với hệ thống này, nhưng nhiều ngân hàng có thể tham gia nếu Swift không còn là một lựa chọn.

Trung Quốc là một lựa chọn thay thế khác. Bắc Kinh cũng có hệ thống thanh toán của riêng mình, với nhiều ngân hàng quốc tế hơn Nga. Các nhà phê bình nói rằng bằng cách đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau, việc loại bỏ này của SWIFT có thể làm xói mòn uy thế của hệ thống tài chính toàn cầu thực hiện bằng đồng đô la.

Richard Nephew, một cựu quan chức trừng phạt cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, việc loại toàn bộ các ngân hàng Nga khỏi SWIFT "sẽ có tác động lớn ngay lập tức mà Nga sẽ nhanh chóng giảm thiểu bằng các phương tiện nhắn tin khác". “Nó sẽ khiến người Nga rất đau đầu, nhưng tôi nghĩ giá trị của nó đã bị phóng đại quá mức.”

Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/2 đã mở rộng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm cả nợ ngân hàng trung ương Nga được giao dịch trên thị trường thứ cấp, nơi các tổ chức trung gian bán trái phiếu ngân hàng trung ương.

Các quan chức Mỹ cho biết họ vẫn đang hoàn thiện các hành động nhắm vào hoạt động ngân hàng trung ương Nga. 

Ngân hàng trung ương của Nga cũng đã bắt đầu chuyển hướng việc dự trữ bằng các đồng tiền mạnh của phương Tây, trong nỗ lực đề phòng các lệnh trừng phạt mới sau khi các công ty Mỹ bị cấm mua nợ sau sự kiện Crimea năm 2014.

Thành phần dự trữ ngoại hối của Nga là không bình thường theo tiêu chuẩn toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tất cả 149 quốc gia đều cung cấp thông tin chi tiết về dự trữ của mình, trong đó đồng đô la Mỹ chiếm 59% trong ba tháng đến tháng 9, trong khi nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ chiếm 2,7%. Dự trữ vàng, vốn được nắm giữ trong nước Nga, hiện chiếm 21,7% tổng lượng dự trữ, tăng so với mức 17,2% trong những tháng đầu năm 2018.

Ngược lại, trong cơ cấu dự trữ của mình, ngân hàng trung ương của Nga chỉ nắm giữ 6,6% là tài sản của Mỹ, trong đó tài sản của Trung Quốc chiếm 13,8%, tài sản của Pháp chiếm 12,2%, tài sản của Nhật Bản chiếm 10% và tài sản của Đức là 9,5%. Trước khi chuyển khỏi tài sản đô la vào giữa năm 2018, tài sản năm 2018 của Mỹ chỉ chiếm dưới 30% dự trữ và tài sản của Trung Quốc chỉ chiếm 4,7% trong cơ cấu dự trữ của Nga.

Ngay cả khi Nga nỗ lực bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi các lệnh trừng phạt, Mỹ có thể đánh vào các công cụ tài chính mạnh mẽ đối với ngân hàng trung ương Nga nhằm làm lệch hướng bước đi của ngân hàng này.

Trong số các lựa chọn của mình để mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga, chính quyền Mỹ có thể cấm bất kỳ giao dịch đô la nào - và các đồng minh có thể bổ sung bằng hành động tương tự đối với giao dịch đồng Euro, bảng Anh và đồng Yên. Một bước đi như vậy có thể cản trở khả năng bán dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương.

Một lựa chọn khác có thể là đưa ra một danh sách đen đầy đủ đóng băng bất kỳ tài sản nào được giữ trong các khu vực pháp lý của Mỹ và các khu vực tài phán của các quốc gia khác nơi các đồng minh tham gia cùng Washington và cấm mọi giao dịch. Điều đó có thể ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động ổn định tiền tệ của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến các giao dịch quan trọng đối với thương mại quốc tế của đất nước.

Có thể bạn quan tâm