Theo công bố chính thức của EU, bảy ngân hàng bị loại khỏi SWIFT gồm Ngân hàng VTB - ngân hàng lớn thứ hai của Nga, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Ngân hàng Rossiya, Sovcombank và VEB (Vnesheconombank).
Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Một quan chức cấp cao của EU giải thích các ngân hàng có trong danh sách này được lựa chọn dựa trên mối quan hệ với Chính phủ Nga, trong đó các ngân hàng công đã chịu các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Đáng chú ý, danh sách trên không nêu tên hai ngân hàng lớn của Nga là Sberbank và Gazprombank, vì đây là những kênh thanh toán chính cho dầu khí của Nga, mặt hàng mà các nước EU vẫn đang phải nhập khẩu bất chấp mâu thuẫn hiện tại.
Trước đó, ngày 26/2, EU, Mỹ, Anh và Canada đã quyết định chặn một số ngân hàng nhất định của Nga khỏi SWIFT, nhưng lúc đó các nước này không cho biết những ngân hàng nào bị ảnh hưởng.
SWIFT có khoảng 11.000 thành viên và không có "đối thủ xứng tầm" trên toàn cầu. Cả Trung Quốc và Nga đều đã phát triển các hệ thống thay thế SWIFT.
Trung Quốc vẫn khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS do nước này xây dựng, trong khi Nga đã thiết lập hệ thống nhắn tin liên ngân hàng của riêng mình là SPFS.
Dù vậy, SWIFT vẫn được sử dụng cho khoảng 70% các giao dịch thanh toán trong nước Nga.