Mới đây, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gặp gỡ chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện.
Được biết, đây là lần thứ hai được Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tổ chức hội nghị để lắng nghe các kiến nghị từ phía các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo để sớm đưa các dự án này vào vận hành.
Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN cho biết, tính đến thời điểm ngày 24/5 đã có 37 trên 85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp gửi hồ sơ để đàm phán giá điện cùng với hợp đồng mua bán điện.
48 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp còn lại chưa gửi hồ sơ đã được Công ty Mua bán điện (EPTC) gửi văn bản đề nghị tiếp tục gửi hồ sơ.
Theo thông tin của đại diện Công ty thuộc EVN này, trong số 37 dự án trên, đã có 24 dự án đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng giá tạm thời để thực hiện đàm phán.
Chủ đầu tư 24 dự án này đã thống nhất với Công ty mua bán điện thuộc EVN về giá mua bán điện tạm thời (chưa bao gồm thuế VAT). Mức giá tạm này bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1 của Bộ Công thương.
Theo đó, giá mua bán điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn, quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thông qua giá tạm thời đối với 19 dự án với tổng công suất 1.347 MW. Trong đó, bao gồm 1 dự án đã hoàn thành đàm phán và đang hoàn thiện thủ tục để trình Bộ Công thương phê duyệt giá tạm.
Cùng với đó là 4 dự án đang được Công ty mua bán điện và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư các dự án, kể cả dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm tích cực cung cấp hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ pháp lý.
Hơn nữa, Bộ cũng đề nghị chủ đầu tư các dự án phối hợp các đơn vị vận hành hệ thống điện để thực hiện ngay công tác thí nghiệm, thử nghiệm của nhà máy điện.
Ngoài ra, EVN cũng đề nghị các nhà đầu tư khẩn trương tổ chức nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục, gửi hồ sơ công nhận vận hành thương mại theo quy định của hợp đồng mua bán điện PPA đã ký kết để các dự án sớm hòa lưới điện quốc gia.
Trước đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến liên quan tới giá điện đã được các đại biểu quốc hội đưa ra. Cụ thể là việc đưa giá điện vào diện bình ổn giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá. Việc định giá này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn, đảm bảo nguồn lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
"Doanh nghiệp sản xuất điện chủ yếu là EVN, tập đoàn nhà nước chiếm trên 50%, nên nếu đưa vào diện bình ổn giá phải sửa Luật Ngân sách, nên Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này", ông Phớc nêu quan điểm.