Eximbank lần đầu tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ, chia cổ tức sau 8 năm

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ.
Eximbank lần đầu tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ, chia cổ tức sau 8 năm

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank – EIB) mới đây đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua.

NHNN yêu cầu Eximbank thực hiện việc phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên của Eximbank đã thông qua việc phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận để lại năm 2017-2021.

Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ... và mở rộng hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Được biết, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Vốn điều lệ của nhà băng này đã đứng yên ở mức 12.355 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay.

Về hoạt động kinh doanh, Eximbank cũng cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của mình trong năm nay. Theo báo cáo tài chính, Eximbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý 2/2022 khi báo lãi trước thuế đạt 1.094 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.902 tỷ đồng, tăng 243% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất trong hệ thống.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 174.583 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% lên 124.528 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 141.495 tỷ đồng. Nợ xấu của Eximbank tăng 4,3% trong 6 tháng đầu năm lên 2.344 tỷ, mức tăng thấp hơn so với toàn danh mục cho vay. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 1,96% xuống 1,88%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...