Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào 26/2/2025. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp và biểu quyết là 26/12/2024.
Nội dung dự kiến của cuộc họp cổ đông bất thường lần tới là bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thông qua sửa đổi điều lệ ngân hàng.
Hiện Ban kiểm soát của Eximbank có hai thành viên gồm: bà Doãn Hồ Lan và Phạm Thị Mai Phương. Đồng thời, Hội đồng quản trị ngân hàng này có 5 thành viên, gồm ông Nguyễn Cảnh Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phó chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Đỗ Hà Phương và ông Trần Tấn Lộc. Hai thành viên còn lại là ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng (thành viên độc lập).
Trước đó tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Trưởng Ban kiểm soát của Eximbank là ông Ngo Tony đã bị miễn nhiệm theo đề xuất của một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn. Ông Ngo Tony cũng cho biết, chính mình là người đã có thư kiến nghị tới cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, nêu các dấu hiệu rủi ro của Eximbank.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Ngo Tony cho biết, trong thời gian giám sát 10 tháng đầu năm 2024, ông thấy rằng bên cạnh các mặt đã đạt được, Eximbank vẫn phải đối mặt với ba vấn đề lớn: Thứ nhất, chất lượng tài sản giảm sút. Thứ hai là cấp tín dụng mới có một số việc cần phải bàn và cuối cùng gia tăng một số hoạt động có rủi ro cao.
Vấn đề này, ông Ngo Tony khẳng định đã nhiều lần đề cập tại các cuộc họp với Ban điều hành, cũng như các thành viên Hội đồng quản trị, tuy nhiên vẫn chưa có các hành động mang tính nghiêm túc để chỉnh sửa các vấn đề cần phải khắc phục.
Ngoài ông Ngo Tony, hai Phó chủ tịch Eximbank là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú cũng bị miễn nhiệm. Ông Nguyễn Hồ Nam cho biết, bản thân đã đầu tư vào ngân hàng Eximbank trong 8 năm qua. Việc nhận được đề nghị bãi nhiệm do không tham dự đầy đủ các cuộc họp Hội đồng quản trị (36/38 cuộc họp) chỉ vài ngày trước đại hội khiến ông Nam hoàn toàn bất ngờ.
“Sau đó tôi đã giải trình rất rõ với Hội đồng quản trị, 2 cuộc họp tổ chức ít hơn 5 ngày so với quy định, tôi ra nước ngoài nên không thể tham dự và đã ủy quyền chị Tú (bà Lương Thị Cẩm Tú) biểu quyết. Việc lấy lý do tôi tham dự không đủ các cuộc họp là rất khiên cưỡng”, ông Nguyễn Hồ Nam chia sẻ với cổ đông.
Về tờ trình miễn nhiệm bản thân khỏi Hội đồng quản trị Eximbank, Phó Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú cho biết xét theo Luật các tổ chức tín dụng và Điều lệ ngân hàng, bà không thuộc vào diện bị xem xét miễn nhiệm.
“Khi tôi vắng mặt do công tác nước ngoài, tôi đã báo cáo cho Hội đồng quản trị và ủy quyền lại cho người giúp tôi điều hành ngân hàng. Khi đi nước ngoài, sóng điện thoại không ổn định nên có thể tôi đã để lỡ một số cuộc họp, nhưng tôi vẫn tham gia thường xuyên với tỷ lệ hơn 90%,” bà Cẩm Tú chia sẻ.
Đại hội cổ đông vừa qua cũng chốt việc chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội. Nhưng chủ trương chấm dứt đầu tư xây trụ sở tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (TP.HCM) và tờ trình sửa điều lệ ngân hàng để đổi tên địa chỉ trụ sở chính chưa được thông qua.
Nhiều năm qua, nhân sự thượng tầng của Eximbank thay đổi chóng mặt, xuất phát từ xung đột giữa các nhóm cổ đông. Nhiều thời điểm, ngân hàng không thể tổ chức được đại hội cổ đông, do không đủ tỷ lệ tham dự.
Nhiều năm qua, nhân sự thượng tầng của Eximbank thay đổi chóng mặt, xuất phát từ xung đột giữa các nhóm cổ đông. Nhiều thời điểm, ngân hàng không thể tổ chức được đại hội cổ đông, do không đủ tỷ lệ tham dự.
Từ giữa năm nay, Tập đoàn Gelex lộ diện và trở thành cổ đông lớn tại nhà băng này, sở hữu 10% cổ phần. Đồng thời, theo báo cáo của Eximbank, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX - doanh nghiệp từng có liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex hiện sở hữu 3,58% vốn Eximbank. Bên cạnh đó, Vietcombank nắm 4,51% vốn của ngân hàng này. Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ 1,12% vốn, còn Phó tổng giám đốc Lê Thị Mai Loan nắm hơn 1%.