Ngày 23/5, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu – Từ góc độ chính sách và pháp luật”. Hội thảo lần này tiếp tục lắng nghe ý kiến của các lãnh đạo ngân hàng, chuyên gia tài chính, đại biểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm khiến cho hiệu quả thu hồi nợ xấu, nợ khó đòi còn ở mức thấp.
Theo báo cáo của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình trước quốc hội ngày 22/5, trong giai đoạn 2012-2016, hệ thống TCTD đã xử lý được trên 617 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, chủ yếu là do các TCTD tự xử lý chiếm 56%. Còn lại là bán nợ (bán cho VAMC, các tổ chức cá nhân khác) được 44% tổng dư nợ. Đến hết tháng 3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống TCTD vẫn còn chiếm hơn 2,56% tổng dư nợ, tương ứng hơn 160.000 tỷ đồng.
Tổng hợp của Thương Gia cho thấy, nợ xấu của 10 ngân hàng lớn trong quý 1/2017 đã tăng mạnh tới 9,6% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 59.375 tỷ đồng. Nhất là nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tiếp tục tăng nhẹ 2% lên tới 29.501 tỷ đồng. Khối nợ xấu lớn đang tập trung chủ yếu ở các ngân hàng có quy mô tín dụng lớn như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Sacombank, Eximbank, SHB… Nợ xấu “phình” to trước những nỗ lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang là thách thức rất lớn đối với các ông chủ nhà băng.
Đơn cử, BIDV hiện đang tạm dẫn đầu về quy mô nợ xấu lớn lên tới hơn 16.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3/2017.
Sacombank, nhà băng nhập sáp nhập ngân hàng yếu kém Southern có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 4,89% (hồi đầu năm ở mức 5,35% dư nợ), tương ứng hơn 10.083 tỷ đồng nợ xấu. Trong số này, nợ có khả năng mất vốn của Sacombank lên tới 6.602 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65,5% tổng nợ xấu của ngân hàng.
Sau thời gian dài tái cơ cấu và chìm trong bất ổn về nhân sự cấp cao, Eximbank đang đối mặt với khó khăn xử lý khối nợ xấu lớn lên tới 2.589 tỷ đồng, chiếm tới 3% dư nợ.
Hai ngân hàng lớn Vietinbank và Vietcombank cũng không “kém cạnh” khi nợ xấu có xu hướng tăng lên. Đến cuối quý 1/2017, nợ xấu của Vietinbank tăng tới 6,3%, lên đạt 7.017 tỷ đồng, còn Vietcombank đang “ôm” 7.376 tỷ đồng, chiếm 17,4% dư nợ…
Trong 5 năm qua, các TCTC đã tích cực đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thông qua việc bán nợ, tự xử lý thu hồi, phát mại tài sản, sử dụng dự phòng rủi ro… Nhờ đó toàn hệ thống đã xử lý được gần 617 nghìn tỷ đồng, giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu về mức 2,56% tổng dư nợ.
Từ năm 2013 đến hết 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đã đạt được hơn 53.236 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã thu hồi được 17,1 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức bán, phát mại tài sản bảo đảm, chỉ chiếm tỷ lệ 2,8% tổng nợ xấu. Đây là kết quả khá thấp do còn nhiều vướng mức về quy định pháp luật về xử lý nợ xấu con thiếu, chưa đầy chủ, chưa thống nhất cũng như thực tế thu hồi nợ còn khó khăn.
Theo một đại diện các ngân hàng, vướng mắc lớn nhất là xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD và công ty VAMC trong hoạt động mua bán nợ xấu có tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Đơn cử, VAMC xử lý khoản nợ đã mua, khách hàng đồng ý bổ dung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo quy định Điều 174, 175,176 của Luật Đất đai 2013, VAMC và tổ chức mua nợ không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Khi TCTD bán nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là cá nhân, tổ chức khác không phải là TCTD thì họ cũng không được nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất….
Hay bất cập lớn nữa là ở quyền thu giữ tài sản khi mà Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ qua quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho ngân hàng, VAMC khi không thể chủ động “bắt giữ” tài sản để thu nợ nếu gặp sự chống đối, không đồng thuận từ phía con nợ và chủ sở hữu tài sản…
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Vietinbank chia sẻ về những khó khăn trong thực tế xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm khiến cho các ngân hàng tốn kém chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí lớn khiến cho lợi nhuận giảm mạnh, và nợ xấu nếu không được xử lý, giảm nhanh thì khó giảm lãi suất cho vay. Doanh nghiệp có nợ xấu lớn sẽ không thể vay được vốn và chi phí phát sinh cao, khiến cho dòng vốn bị tắt nghẽn, khó kinh doanh để trả nợ cho ngân hàng.