Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 22/2 đưa tin, vào một ngày cuối tháng 7-2021, khi còn là tình nguyện viên hỗ trợ trong khu cách ly, anh Nguyễn Quốc Khiêm - bác sĩ nội trú Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã hỗ trợ cứu sống một ca trở nặng bằng cơ số thuốc có trong khu cách ly, trước khi bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại BV quận 12.
Từ khi đến khu cách ly thì Khiêm đảm nhiệm các công việc như thăm khám, chỉ định, cấp phát các loại thuốc điều trị cho các F0. Bằng cách nào đó, Khiêm đã thể hiện rằng mình có nghiệp vụ về y tế và sai bảo các y bác sĩ tại khu điều trị các ca F0.
Tuy nhiên, sau khi xác minh từ Trường ĐH Y Dược TP.HCM tờ báo này khẳng định qua kiểm tra thì không có người nào tên Nguyễn Quốc Khiêm từng công tác, làm việc tại trường hay là sinh viên theo học tại trường tính đến thời điểm hiện tại.
Bình luận về sự việc này, Tiến sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với những thông tin hiện nay thì đây là sự việc khá hi hữu trong mùa dịch và có phần khôi hài nhưng hậu quả lại có thể rất nghiêm trọng, có thể gây ra nguy hiểm cho người bệnh và cộng đồng xã hội. Có thể lúc đầu chỉ là nhiệt tình tham gia phòng dịch như một sinh viên nhưng do sơ hở trong công tác quản lý, thiếu giám sát của cơ quan chức năng nên người này đã liên tục mạo danh, mà ở vị trí công tác để trở thành thạc sĩ, bác sĩ, thực hiện hoạt động khám chữa bệnh mà không ai phát hiện ra.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ quá trình thực hiện các thủ tục tuyển tình nguyện viên, quá trình tham gia tình nguyện của người này và việc mạo danh bác sĩ để thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh.
Nếu là sinh viên, thực hiện các công việc theo yêu cầu của bác sĩ với tư cách là các tình nguyện viên thì có thể không gây hại cho xã hội, tuy nhiên nếu mạo danh là bác sĩ, quyết định trong việc đưa ra các y lệnh, thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, liên quan trực tiếp đến người bệnh đang nguy kịch thì đây là một sự việc nghiêm trọng. Hành vi giả mạo như vậy là vi phạm pháp luật, là hành vi giả mạo trong công tác. Để giả mạo được như vậy thì người này còn có thể sẽ làm giả các giấy tờ, tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ tất cả các hành vi này để xử lý theo quy định pháp luật.
Trong quá trình xác minh sự việc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân, lai lịch, năng lực, trình độ của người này và làm rõ nguyên nhân động cơ nào khiến người này lại thực hiện những hành vi như vậy ? cơ quan chức năng sẽ xác định nguyên nhân của sự việc là do thói háo danh hay có biểu hiện bệnh lý tâm thần bởi một người bình thường sẽ không bao giờ có hành động như vậy . Nếu người này có biểu hiện tâm thần thì có thể trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người này khi thực hiện các hành vi khôi hài và mạo hiểm như vậy, Tiến sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Sự việc có lẽ bắt đầu từ quá trình tuyển dụng cộng tác viên, tình nguyện viên từ các sinh viên chuyên ngành y và quá trình quản lý những người này để phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh . Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ quy trình thủ tục tuyển cộng tác viên, tuyển bác sĩ, về việc quản lý cán bộ bác sĩ tại các cơ sở y tế điều trị F0, các khu cách ly mà bác sĩ giả này đã làm việc để xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Thời điểm giữa năm 2021 là thời điểm thành phố Hồ Chí Minh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, số ca mắc và ca tử vong tăng cao, nhu cầu về nhân lực rất lớn bởi vậy khâu quản lý có thể gặp những sai xót. Tuy nhiên có lẽ không ai nghĩ rằng có người lại mạo danh bác sĩ để thực hiện những hành vi nguy hiểm như vậy.
Nếu là công việc khác, phù hợp với năng lực bản thân thì hành vi này đáng khen ngợi, nhưng mạo danh bác sĩ để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh thì đây là hành vi nguy hiểm. Người thanh niên này không những không được khen ngợi mà còn phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý hình sự với những tội danh khác nhau.
Hành động thiện nguyện, tình nguyện cứu người, giúp đỡ người bệnh đang gặp khó khăn là hành động đáng khen ngợi, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như vậy, không phải ai cũng có đủ điều kiện, thời gian, sức khỏe để tham gia của người. Tuy nhiên, việc cứu người, giúp người phải phù hợp với khả năng, năng lực, trình độ để đảm bảo cứu giúp được những người đang gặp bệnh tật, khó khăn hoạn nạn. Nếu người không đủ năng lực trình độ chuyên môn, không đủ trình khả năng mà lại được giao nhiệm vụ cứu người thì sẽ là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Khám chữa bệnh không phải là chuyện đùa, không phải người nào cứ nhiệt tình, dũng cảm là có thể thực hiện được mà đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tương ứng. Khám chữa bệnh là ngành nghề có điều kiện, hoạt động khám chữa bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Bởi vậy việc thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải theo quy định của luật khám chữa bệnh, người thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình. Người nào thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với những người giả mạo trong công tác, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong vụ việc này, nhân vật giả mạo thạc sĩ bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.
Theo Tiến sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường, nếu trong quá trình giả mạo làm bác sĩ này mà người này làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định tại điều 315 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể: "Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng."
Trường hợp gây thiệt mạng cho 03 người trở lên hoặc gây thương tích cho nhiều người, gây thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, có thể tới 15 năm tù.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy trong quá trình người này mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản thì hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 Bộ Luật Hình sự năm 2015 và tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả theo điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Với nhiều hành vi vi phạm liên tục, kéo dài như vậy thì mỗi hành vi vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau. Cơ quan chức năng sẽ trưng cầu giám định Thẻ sinh viên và các văn bản giấy tờ mà người này đã ký vào trong quá trình thực hiện hoạt động thiện nguyện để đánh giá yếu tố pháp lý, làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã được kiểm soát tốt, tuy nhiên những vấn đề phát sinh từ dịch bệnh như mua sắm thiết bị, vật tư y tế, quá trình quản lý ngân sách, chi tiêu trong hoạt động khám chữa bệnh và các vấn đề nãy sinh như trong vụ việc này là những vấn đề rất đáng buồn, tuy nhiên theo nguyên tắc là mọi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Những người vì cộng đồng, có thành tích, công sức thì phải được khen ngợi, còn những người vi phạm thì phải xử lý trước pháp luật để đảm bảo công bằng, đúng pháp luật, Tiến sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.